Chồng đi XKLĐ vợ mang tiền theo đa cấp
Gặp chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1978, trú tại xóm 13 xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) trong bộ dạng bịt kín khuôn mặt, lén lén lút lút vì sợ chồng bắt gặp. Trước khuôn mặt biến dạng, mái tóc bị cắt cụt ngủn và những vết thương trên cơ thể khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Sau một lúc trấn an, chị đã đồng ý mở khăn để nói chuyện, dường như quá khứ về những trận đòn roi chị Hồng vẫn chưa hoàn hồn.
Chị Hồng cho biết, chị và anh Nguyễn Ngọc Phong là người cùng xã, lớn lên sau khi yêu nhau được hai năm thì cả hai làm đám cưới. Cuộc sống những ngày đầu dù vất vả nhưng cả hai anh chị rất thương nhau. Dù không giàu có gì nhưng hằng ngày anh nhận thầu công trình xây dựng còn chị thì đi làm thợ hồ, ngày hết việc thì làm thêm đồng áng nên cũng đủ ăn, đủ mặc.
Chị Nguyễn Thị Hồng nhớ lại chuyện đòn roi |
Năm 2013 anh được người ta giới thiệu đi XKLĐ tại Angola nên vay mượn ngân hàng và bạn bè, người thân để nạp đủ tiền phí gần 200 triệu đồng. Sau hơn một năm thì anh gửi tiền về cho chị trả được hết nợ, “Thời gian chồng đi XKLĐ thì em ở nhà được người ta rủ vào làm bán hàng đa cấp với lợi nhuận cao, vừa trả hết nợ lại có sẵn tiền chồng gửi về nên em đã mua 5 mã hàng với trị giá gần 50 triệu đồng và tham gia bán hàng đa cấp, chị Hồng kể.
Từ khi là thành viên của công ty đa cấp, chị “rũ bùn” đứng dậy từ nông dân, phụ hồ thành người phụ nữ ăn trắng mặc trơn và rủ người khác mua hàng để lấy phần trăm.
“Đến gần cuối năm 2015, chồng về, em cũng dẫn chồng ra Hà Nội để thăm công ty rồi chồng cũng tham gia mua 4 mã hàng với trị giá hơn 30 triệu…”, chị Hồng cho hay.
Chị Hồng vẫn hoảng hốt khi nhớ lại trận đòn roi |
Trả xong nợ, mua được mấy mã hàng còn dư ít tiền anh chị xây ki-ốt để bán hàng tạp hóa, rồi anh lại sang Angola để làm ăn.
Không có tiền lấy hàng cùng với một số lời đồn đoán chị gặp nhiều người đàn ông trong quá trình làm đa cấp và thường xuyên nhắn tin gọi điện, chát chít trên mạng xã hội nên hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.
Tố bị chồng bạo hành
Chị Hồng cho biết, gần Tết Nguyên đán anh Phong về nước ăn Tết, cũng từ đó những bữa cơm không ngon liên tục xảy ra. Nhiều lần chồng dùng vũ lực với chị, nhưng không thanh minh được số tiền chồng gửi về tiêu ra sao nên chị cắn răng chịu đựng.
“Tối giao thừa Tết Nguyên đán anh Phong đập đánh em thâm tím mặt mày, nhưng nghĩ vì ngày Tết nên cũng không làm to chuyện, ai ngờ ngày Mùng 2, Mùng 3 anh lại lôi ra đường đánh đập, lấy roi điện làm em đau đớn vô cùng…”, chị kể.
Bức ảnh chụp lại sau khi sơ cứu tại trạm y tế |
“Đỉnh điểm vào khoảng 8h sáng ngày 3/3/2016, chị vừa đi chợ về thì anh Phong lao đến túm tóc kéo, bóp cổ khiến em tưởng chết, anh lôi vào nhà lấy kéo cắt tóc trước sự can ngăn của nhiều người. Trong lúc lấy roi điện để dí em thì Phong nói “tau đập cho mi bị não luôn”, nhưng được người ta can nên bỏ xuống nhà.
Trong lúc đang ngồi thừ vì quá đau đớn và mệt thì bất ngờ chồng cầm theo một chiếc tô bằng sắt đã nướng nóng đỏ áp vào má khiến em không kịp trở tay, quá đau đớn em không còn chống cự được nữa…”, chị Hồng rưng rưng nước mắt nói.
Sau khi người dân vào can ngăn, khoảng 10h30 chị Hồng được đưa người thân đưa ra công an xã trình báo sự việc. Đến chiều cùng ngày, cả hai vợ chồng được ban công an xã mời lên làm việc.
Khuôn mặt bị bỏng nặng, mái tóc bị cắt trọc |
Theo ông Phan Đình Chương, Trưởng công an xã Nghi Diên cho biết:. “Tại buổi làm việc với công an xã anh Nguyễn Ngọc Phong đã không thừa nhận hành vi đánh đập vợ, chúng tôi đã báo cáo sự việc với cảnh sát khu vực để tiếp tục chỉ đạo xử lý”, ông Chương cho biết. Sau đó, chị Hồng có đơn tố cáo hành vi của chồng lên cơ quan công an xã để yêu cầu vào cuộc xử lý.
“Theo lời khai của nhân chứng và đơn tố cáo của chị Hồng thì hành vi của anh Phong là hoàn toàn sai trái, tuy nhiên chị Hồng lại có đơn từ chối dám định thương tật. Theo cá nhân tôi thì chị Hồng hoàn toàn bình thường không bị mất hành vi dân sự nên không thể tự lấy cái tô nóng áp vào mặt mình và cắt tóc được…
Trưởng công an xã Nghi Diên, Phan Đình Chương trao đổi với phóng viên |
Tuy nhiên, Phong đang phủ nhận việc đánh vợ, chị Hồng hiện lại không có mặt tại địa phương nên cơ quan công an xã không thể làm việc với hai bên để làm rõ được. Hiện công an xã đang hẹn chị Hồng lúc nào khỏe lại thì tiếp tục lên làm việc để có hướng giải quyết tốt nhất, nếu có hành vi sai trái của Phong hay của chị Hồng thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Những ngày qua, vì sợ chồng đánh đập nên chị Hồng đã trốn ra khỏi nhà sống nay đây mai đó tại nhà người thân. Chị Hồng cũng cho biết, tại địa phương rất nhiều người tham gia bán hàng đa cấp, nhưng khi thấy ti vi nói công an vào cuộc mới ngã ngửa mình bị lừa trắng tay.
Văn phòng đại diện Liên Kết Việt đóng cửa sau 5 tháng
Chiều ngày 15/3, Trung tá Nguyễn Văn Khương, đội trưởng đội 2 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 Công an Nghệ An) cho biết, thực hiện theo quyết định ủy quyền số 15 ngày 20/1/2016 của Cục C46 Bộ Công an điều tra Liên Kết Việt trên địa bàn Nghệ An. Theo danh sách Cục C46 gửi về có 57 người thì có 15 người sinh sống trên địa bàn tỉnh, còn lại ngoài địa phương với tổng số tiền là 1,539 tỷ đồng trên 179 mã hàng.
Tại Nghệ An có một văn phòng đại diện của Liên Kết Việt (trên đường Đặng Thái Thân, phường Cửa Nam, TP.Vinh) được thành lập vào tháng 10/2014, đến tháng 4/2015 thì văn phòng giải thể vì không phát huy được. Ngày 2/4/2015 đã có quyết định giải thể, thu hồi con dấu. Văn phòng đã hoạt động bán được 40 mã hàng, với số tiền 344 triệu đồng.
Qua làm việc với 6/15 người trong danh sách thì hầu hết không có khiếu kiện gì và đã nhận máy móc trong mã hàng để sử dụng gồm nhiều máy khử Ozone, thực phẩm chức năng. Qua Báo PLVN Công an Nghệ An thông báo cho những người bị hại là những người tham gia Liên Kết Việt thì đến trình báo với CQĐT để khi có quyền lợi liên quan được giải quyết. Theo trung tá Khương thì khó khăn trong công tác điều tra là nhiều hộ dân đã tỏ ra không hợp tác với CQĐT, một phần do mất tiền, một phần do ngại.