Một mùa thi lịch sử!

(PLVN) - Dịch Covid-19 làm xáo động cuộc sống của tất cả mọi người nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại ưu tiên của cuộc sống. Con người sẽ chọn cái thực chất và từ bỏ các thứ mang tính hình thức. 
Một kỳ thi lịch sử và hình đẹp- 10 năm nay, Hiếu trở thành đôi chân của Minh.Hiếu đăng ký thi vào ĐH Y Hà Nội với mong muốn chữa lành chân cho bạn…
Một kỳ thi lịch sử và hình đẹp- 10 năm nay, Hiếu trở thành đôi chân của Minh.Hiếu đăng ký thi vào ĐH Y Hà Nội với mong muốn chữa lành chân cho bạn…

Cuối cùng thì đợt một kỳ thi THPT cũng đã kết thúc giữa tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi “bóng ma” Covid-19 bùng phát trở lại. Thi hay không thi cho tới sát ngày thi vẫn còn là những tranh cãi không hồi kết.

Thế nhưng, hình ảnh các em tới trường thi giữa mùa dịch là những gì đọng lại thật đẹp! Chưa kể, 2020 là năm cuối cùng thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2021, kỳ thi này sẽ có nhiều thay đổi theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung và Luật GD Đại học…

1001 ý kiến hoang mang trái chiều

Kề cận ngày thi, khá nhiều ý kiến phản đối Bộ GD&ĐT cố gắng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi “bóng ma” Covid -19 vừa quay trở lại đã, đang lợi hại hơn nhiều. Thi hay là không thi? Và việc tranh luận có hai luồng quan điểm: “Trước tình hình này mà tập trung các em học sinh với số lượng lớn, nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao”.

Cuộc thi và kết quả của kỳ thi… chả quan trọng gì so với sự an toàn của con em tôi hết. Nói cách khác, nó còn làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người nếu như những ca lây nhiễm mỗi ngày một tăng lên nhanh chóng”. 

Quan điểm ngược lại cho rằng: “Trên cả nước, tính ra chưa tới 800 ca dương tính, tỉ lệ các em học sinh tham gia kỳ thi này liên quan đến 800 ca ấy là cực nhỏ so với các em học sinh bình thường khác. Vậy nên, không thể lấy số nhỏ để lấn át số lớn…Hơn nữa để quyết định thi hay không thi, phải đợi Quốc hội lên tiếng…Tóm lại là vẫn thi bình thường”. 

Trước đây đã từng có nhiều cuộc tranh luận nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên nói bỏ đưa ra các lập luận khó bác bỏ: tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm luôn cao, ví dụ năm 2019 là 94,06%, năm 2018 là 97,57%; kỳ thi năm nay không dùng làm căn cứ để các trường đại học xét tuyển; các trường đại học từng phát biểu không thi tốt nghiệp họ vẫn có phương án tuyển sinh được...

Phần đa ý kiến đều cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gây ra những áp lực không cần thiết lên học sinh phụ huynh, thầy cô và nhiều người khác liên quan. Nên để nguồn năng lực ấy dồn vào chuyện phòng chống dịch sẽ tốt hơn và thực chất hơn cho xã hội. Các nước cũng đã lần lượt công bố chuyện bỏ thi tốt nghiệp trung học như Pháp, Na Uy, Tây Phi - nhiều nước khác hoãn thi và nhiều trường đại học nói tuyển sinh không cần xét đến kết quả thi SAT như mọi năm nữa…

Và trước hàng loạt khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trở lại, TS Nguyễn Đức Nghĩa, chuyên gia có nhiều năm gắn bó công tác thi, tuyển sinh đại học, cho rằng chúng ta vẫn kiên định tổ chức kỳ thi vì quyền lợi của thí sinh trên cơ sở phòng, chống dịch an toàn. “Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp 2020 thành 2 đợt trong bối cảnh hiện nay hiển nhiên tốn kém và vất vả, nhưng trên hết phải vì quyền lợi thí sinh”.

“Một năm học lịch sử với kỳ thi đặc biệt” là nhận xét của không riêng TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM. Học sinh nghỉ 3 tháng vì dịch. Học online thay vì đến lớp bởi giãn cách xã hội. Đổi tên kỳ thi từ THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT. Hai lần lùi kỳ thi. Đà Nẵng, một số địa phương ở Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk thi đợt hai.

Tình hình dịch bệnh làm khung thời gian năm học kéo dài, kỳ thi phải lùi lại, kéo theo hàng loạt cột mốc tuyển sinh đại học, cao đẳng thay đổi. Tên kỳ thi, theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung (có hiệu lực từ 1/7/2020), cũng đổi từ THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT. 

Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là thành phố thực hiện giãn cách xã hội sau Đà Nẵng và một số vùng của Quảng Nam. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương sẽ kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 15-17/8. Khi không có thay đổi lớn, chúng ta nên tổ chức thi đợt 2 ngay khi kết thúc giãn cách ở các địa phương này. Theo kịch bản đó, lịch xét tuyển đại học sẽ không bị xáo trộn nhiều. Thí sinh thi đợt 2 có thể cùng tham gia xét tuyển với những bạn thi đợt một, nếu Bộ GD&ĐT lùi mốc thời gian xét tuyển.

TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 làm 2 đợt sẽ đảm bảo các cơ hội và quyền lợi của thí sinh. Theo đó, các em được dự thi theo quy định của Luật Giáo dục, đồng thời có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thí sinh ở vùng nguy cơ cao của dịch Covid-19 sẽ được lùi thời điểm thi trong điều kiện, môi trường thi an toàn nhất. Bộ sẽ xây dựng đề thi với mức độ tương đồng để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. 

Và “con đã là người hùng”!

Nhà báo Nguyễn Thu Trang bày tỏ, phần thắng thuộc về các em, những đứa trẻ hồn nhiên, tự tin bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời mình. Suy cho cùng, mỗi đứa trẻ khi mới ra đời, điều đầu tiên mà chúng học được là thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh của chính mình. Ở  những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Làm gì có bà đỡ? Làm gì có xe đón xe đưa? Có những người mẹ đi nương, đẻ rơi và còn.. tự tay cắt rốn cho đứa bé.

Con của họ húp cháo loãng từ 2 tháng tuổi, theo mẹ lên nương rẫy, ngủ lăn lóc trong hốc đá. Lớn lên, theo chúng bạn đến trường. Trường cách nhà hàng chục km, cả tuổi thơ, nếu tính số km vượt núi, băng rừng có khi còn nhiều hơn số cái chữ mà chúng học được… Nhưng bọn trẻ khoẻ khoắn, miễn nhiễm với các loại dịch bệnh, miễn nhiễm cả với những thói hư, tật xấu, miễn nhiễm với tệ nạn xã hội.

Thực tế chứng minh, không phải cứ những ai sinh ra trong điều kiện hoàn hảo là đương nhiên trở nên vượt trội hơn những người sinh ra trong điều kiện thiếu thốn? Lịch sử chứng minh, nhiều nhân vật “có số” trong mọi lĩnh vực, đều được “nhào nặn” trong môi trường vô cùng khắc nghiệt. Câu chuyện ở đây là gì? Tôi nghĩ, không phải ở chuyện điều kiện sống hay hoàn cảnh sống mà  chính là ở  khả năng thích nghi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh sống!

Quay lại chuyện thi hay là không thi, kết quả kỳ thi thế nào, không phải chuyện gì ghê gớm. Tuy nhiên, bản thân cuộc sống này, với những quy ước của nó thì mỗi đứa trẻ sẽ trải qua những giai đoạn từ nhà trẻ đến mẫu giáo, từ mẫu giáo lên lớp 1 rồi học mãi thì cũng phải kết thúc thời phổ thông bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một kỳ thi quan trọng nhất trong chuỗi các kỳ thi theo quy ước của một đời người. 

Các em, một thế hệ… bên trời. Thế hệ đang đứng trước ngưỡng cửa của sự trưởng thành, hay thất bại? Các em đã tự sắm cho mình một hành trang để bước vào cuộc đời mới, sang một trang mới. Kết quả của kỳ thi này sẽ giúp các em đạt được một ước mơ, ao ước lớn nhất đời mình là được học một ngành, nghề mà mình lựa chọn…

Và những ngày qua, các em thí sinh đi thi sẽ đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đứng đúng khoảng cách, tự tin bước vào phòng thi an toàn. Những hình ảnh ấy sẽ đẹp đẽ và ý nghĩa biết bao nhiêu. Ít nhất, đó là biểu tượng tâm thế sẵn sàng chiến đấu với mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh của cả một thế hệ học sinh THPT trước đại dịch Covid-19?

Là một người mẹ “trong cuộc”, chị Nguyễn Thanh Hải, tác giả sách “ Cùng con bước qua kì thi” cũng chia sẻ: Rồi mai sau khôn lớn, các con sẽ hiểu, trên đời cái gì cũng cần có điều kiện, muốn thi cử đỗ đạt, phải nỗ lực từng ngày, muốn có được kỳ thi bình thường có lúc phải “cân não” đến nhường nào. Nhưng chỉ có tình yêu thương của bố mẹ dành cho các con là vô điều kiện trong bất cứ tình huống nào, bất chấp cả đại dịch.

Thế nhưng, khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa đến ngày thi, ngày 25-7, “cô vít” bỗng nhiên quay trở lại với ca bệnh đầu tiên nhiễm trong cộng đồng không tìm dược F0 ở Đà Nẵng được công bố. Mẹ nín thở. Điều lo sợ nhất lại đến. 

Dù muốn giữ bình tĩnh, nhưng rồi câu chuyện ở nhà, trong bữa ăn, lại vẫn xoay quanh chuyện thi cử. Trái với thái độ lo lắng, nín thở của mẹ và nhiều phụ huynh, con và các bạn dường như bình tĩnh hơn. Con bảo: “Giờ Mỹ và nhiều nước hàng ngày vẫn hàng trăm người nhiễm SARS-CoV-2, hàng trăm người chết, chúng ta giữ được như thế này, đã là may mắn lắm rồi. Con nghĩ mẹ không phải lo lắng nhiều về kỳ thi, các học sinh, ở Đà Nẵng, tâm dịch, họ còn đang chưa biết về đâu, bao giờ được thi đợt 2. Nhưng đâu sẽ có đó, ngành giáo dục quyết định như thế nào, con sẽ tuân thủ trong kỳ thi”. Hóa ra, trẻ nó có cách nhìn riêng, rất biện chứng và không có gì phải nghiêm trọng hóa vấn đề.

Một kỳ thi quan trọng, áp lực nhưng vẫn có thể phải làm điều chưa từng có trong lịch sử, đó là học sinh phải đeo khẩu trang khi làm bài thi cả 4 môn thi trong 2 ngày thi. Nhưng một điều làm mẹ thật an lòng, con nhìn mọi chuyện rất vui vẻ, bình thường. Tuổi trẻ là thế, luôn nhìn cuộc sống ở lăng kính riêng, thực tế và lạc quan. Chúng ta còn may mắn hơn nhiều học sinh của Pháp đang phải hoãn kỳ thi.

Chúng ta còn may mắn hơn nhiều học sinh Mỹ và các nước khi mỗi ngày lại phải nghe những tin tức cập nhật hàng ngàn người nhiễm mới, hàng trăm người ra đi mãi mãi vì đại dịch. Chúng ta còn may mắn hơn hàng ngàn học sinh bạn F1, F2 trên cả nước phải hoãn kỳ thi đến đợt 2, mà đơt 2 là bao giờ chưa ai dám nói trước…

Thế đó các mẹ, đến giờ này, khi gần 900.000 học sinh lớp 12 đi thi đợt 1 trong bối cảnh cuộc chiến chống giặc Covid-19 vào giai đoạn khốc liệt thì khi môn thi cuối cùng kết thúc là lúc các con và các thầy cô giáo đã là những người hùng! Điểm số chỉ nói lên một phần, khi chúng ta đi qua một mùa thi lịch sử theo cách đặc biệt như thế này. Cả một thế giới chao đảo, nền giáo dục cả thế giới đảo lộn. Không chỉ có kỳ thi tốt nghiệp chung THPT QG ở Việt Nam…

Vậy đấy, trong cuộc sống, chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra ở thì tương lai, nhưng có một điều mà chắc chắn chúng ta phải biết là chủ động vượt qua mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh… Để làm được điều đó, phụ thuộc vào bản lĩnh của chính các em, khi bước sang một hành trang mới của tuổi trẻ!

Đọc thêm