Một năm khuấy đảo của Tổng thống Trump

(PLVN) - Khi Trump tiến 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên hồi tháng 6/2019, ông đã ghi dấu khoảnh khắc ấn tượng nhất trong năm 2019.
Cuộc gặp Trump  - Kim ngẫu hứng ở Khu Phi quân sự ngày 30/6/2019
Cuộc gặp Trump - Kim ngẫu hứng ở Khu Phi quân sự ngày 30/6/2019

Chính sách ngoại giao “sáng nắng chiều mưa” 

Trump là bậc thầy gây sự chú ý và trong năm 2019, ông đã làm một điều chưa người tiền nhiệm nào thực hiện. Cuộc gặp Trump - Kim ngẫu hứng ở Khu Phi quân sự (DMZ) ngày 30/6 chỉ được chuẩn bị 24 giờ trước đó. Chưa bao giờ một lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở giới tuyến tua tủa dây thép gai, nơi các lực lượng được vũ trang hạng nặng đối mặt nhau suốt 66 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt.

Nỗ lực đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đã đình trệ kể từ sau khi hội nghị hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội không đạt được kết quả. Tổng thống Mỹ đánh cược rằng cuộc phô trương tình bạn này có thể khai thông bế tắc. Cuộc bầu cử 2020 đang đến gần và Trump nóng lòng tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân, mong muốn nó trở thành thành tựu nhiệm kỳ của mình và tạo đà cho chiến dịch tái tranh cử.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp lịch sử đó, các cuộc thảo luận cấp làm việc không đạt tiến triển và căng thẳng quay trở lại. Từ khi mới nhậm chức, Trump thường khoe rằng mình là một nhà đàm phán lão luyện nhưng ông chưa thể đạt “quả ngọt” với Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cho rằng Washington đã mắc những sai lầm làm trật bánh các cuộc đàm phán như đưa ra thông điệp bất nhất, không thấu hiểu đối tác, yêu cầu quá nhiều và đưa ra những lời hứa không thể thực hiện.

Tình trạng tương tự diễn ra với Iran. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm ngoái, các quan chức Mỹ gần đây gửi các tín hiệu bất nhất về những bước mà Tehran có thể thực hiện để mở lại các cuộc đàm phán. Căng thẳng Mỹ - Iran dâng cao trong năm qua khi Iran bắt một loạt tàu nước ngoài, bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và bị Washington cáo buộc phá hoại tàu dầu ở Vùng Vịnh.

Từ giữa năm 2018, Trump đã sử dụng thuế quan như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Năm 2019, ông khiến mọi người thấp thỏm vì liên tục đưa ra những tín hiệu bất nhất. Đôi khi Trump vừa tuyên bố ngày trước rằng tình hình rất khả quan thì ngay hôm sau, ông đã thay đổi giọng điệu, cho rằng cuộc chiến có thể kéo dài. Mỹ - Trung vào cuối năm tuyên bố đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một nhưng những nghi kỵ giữa hai bên và sự khó đoán của Trump khiến thế giới chưa thể yên tâm rằng thế giằng co giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm được giải quyết.

Trong khi chưa có được giải pháp thích hợp để đối phó với các đối thủ, Trump nhiều lần sử dụng các cuộc tụ họp quốc tế để chỉ trích đồng minh. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 12, ông phàn nàn rằng châu Âu không chi đủ cho quốc phòng, nói rằng Mỹ bị “lợi dụng trong khối NATO” và dọa áp thuế nhập khẩu mới. Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở châu Á, cũng là mục tiêu công kích vì Trump cho rằng họ cần trả thêm cho chi phí quân Mỹ đồn trú.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao giận dữ của Trump đã tạo ra thay đổi: Năm 2020, Canada và các thành viên châu Âu dự kiến chi cho quốc phòng nhiều hơn khoảng 130 tỷ USD so với năm 2016. Phần lớn quốc gia NATO vẫn chi dưới 2% GDP cho quốc phòng - mục tiêu mà các thành viên NATO cam kết hiện thực hóa trước năm 2024, nhưng thành tích này rất đáng kể.

Khi tranh cử năm 2016, Trump đưa ra một “giải pháp đơn giản” cho những cuộc can thiệp mà ông cho là rất tốn kém của Mỹ ở Trung Đông: đưa các binh sĩ về nước. Vào năm thứ ba nhiệm kỳ, Trump đã thực hiện được lời hứa. Ông gạt đi ý kiến của các phụ tá, quyết định rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria.

Tuy nhiên, Trump bị chỉ trích là bỏ rơi đồng minh, tạo ra khoảng trống cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Tình hình ở Syria khiến Trump nhận ra thực tế: Những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia hiếm khi có giải pháp đơn giản.

Không ít tin vui

Một trong những lời hứa tranh cử nổi bật khác của Trump là xây tường ở biên giới với Mexico. Trump đã cố gắng hiện thực hóa lời hứa này bằng cách đóng cửa chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi đầu năm để gây sức ép với Quốc hội nhằm có ngân sách xây tường.

Tháng 7, Tòa án Tối cao Mỹ chấp nhận việc lấy 2,5 tỷ USD vốn được phân bổ cho công tác chống ma túy của Bộ Quốc phòng để xây tường. Tháng 9, thêm 3,6 tỷ USD được lấy từ quỹ xây dựng dự án quân sự của Mỹ trên khắp thế giới để chuyển sang xây tường. Tuy nhiên, những động thái này đang đối mặt các thách thức pháp lý.

Trump cho biết ông có kế hoạch xây 725 - 805 km tường mới trước cuối năm 2020. Tính đến tháng 11/2019, 122km tường sẵn có đã được thay thế hoặc củng cố nhưng không có tường mới nào được hoàn thành.

Tuy nhiên, Trump đã có chiến thắng chính trị quan trọng khi Hạ viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật thực thi Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và nó dự kiến được thông qua dễ dàng tại Thượng viện.

USMCA thay đổi các quy tắc về sản xuất ôtô, thương mại điện tử, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp cho các nhà đầu tư, cũng như điều khoản lao động cứng rắn hơn, đòi hỏi Mexico cải cách luật lao động. Phòng Thương mại Mỹ gọi USMCA là “món quà giúp các công ty Mỹ và 12 triệu công nhân cạnh tranh trong hai thị trường xuất khẩu hàng đầu”. 

Một chiến thắng khác của Trump là được chứng minh không thông đồng với Nga. Sau 18 tháng điều tra, công tố viên đặc biệt Robert Mueller hồi tháng ba bác bỏ cáo buộc chiến dịch của Trump thông đồng với Nga. Mueller cũng không có đủ bằng chứng để kết luận Trump đã cản trở pháp lý. Kết cục này làm phe Dân chủ chưng hửng vì nhiều nghị sĩ đã kỳ vọng rằng báo cáo của Mueller sẽ là đòn bẩy để họ kêu gọi xem xét bãi nhiệm Trump.

Nhưng phe Dân chủ vẫn tiếp tục “soi xét” Trump, với cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông bị cáo buộc thúc ép Ukraine điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2020, gây nguy hiểm cho Hiến pháp Mỹ, an ninh quốc gia và tính công bằng của bầu cử. Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm.

Trump dự kiến bị xét xử tại thượng viện vào đầu năm 2020. Ông có nguy cơ bị kết tội và bãi nhiệm nếu 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì đảng Cộng hòa của Trump đang kiểm soát thượng viện. Vì vậy, động thái của đảng Dân chủ có thể là “cố đấm ăn xôi” và phản tác dụng vì khiến người dân Mỹ chán ngán với sự chia rẽ do phe Dân chủ gây ra và sẽ bỏ phiếu cho Trump.

Trong cơn bão bị xem xét bãi nhiệm, Trump nhận được những tin vui kinh tế như thị trường lao động tháng 11/2019 đón thêm 266.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất từ năm 1969. Thu nhập trung bình mỗi giờ ở Mỹ tăng 3,1%, tính đến tháng 11. Tốc độ này được đánh giá là vừa phải nhưng bền vững. Chỉ số S&P 500 tăng 27% trong năm nay và thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đang ở gần mức cao kỷ lục.

Theo một cuộc thăm dò thực hiện cuối tháng 12/2019, 76% những người được hỏi đánh giá nền kinh tế tốt hoặc rất tốt, tăng 9 điểm phần trăm so với năm ngoái và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 2/2001.

Tuy nhiên, tỷ lệ tín nhiệm trên toàn quốc của Trump vẫn ở mức thấp, giảm hai điểm phần trăm, xuống còn 41% kể từ sau bê bối liên quan đến Ukraine được công bố. Khi chỉ còn 11 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống 2020, các cử tri Mỹ đang băn khoăn đứng giữa hai lựa chọn nên bỏ phiếu cho Trump để tiếp tục hưởng những thành quả kinh tế ông mang lại hay chọn một ứng viên khác ít lùm xùm hơn.

“Nếu không phải vì những yếu tố khác trong nhiệm kỳ, Trump lẽ ra là tổng thống được lòng cử tri nhất trong lịch sử, dựa trên các kết quả kinh tế”, một chuyên gia nhận định.