Ngày 25/5, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, người đàn ông nhập viện 10 ngày trước, được thở máy, yếu cơ, sau đó diễn tiến nặng và gần như liệt hoàn toàn. Người bệnh được chẩn đoán ngộ độc botilinum type A - là một trong những type rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
20h hôm qua, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận lọ thuốc giải độc botulinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng trước đó, bệnh nhân đã suy hô hấp phải thở máy, mạch nhanh, huyết áp tụt do độc tố ảnh hưởng hệ thần kinh tự chủ.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong trước khi kịp truyền thuốc.
Thuốc giải độc botulinum được chuyển từ Thụy Sĩ về TP HCM tối qua, song người đàn ông tử vong khi chưa kịp được dùng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 6 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc.
Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới.
Theo các chuyên gia, khi được giải độc sớm trong 48 đến 72 tiếng, bệnh nhân có thể thoát tình trạng liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày (sau khi ngộ độc) mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày có thể hồi phục và cai máy thở.
Để có thuốc giải, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị WHO hỗ trợ thuốc giải độc botulinum cho Việt Nam. Tối 24/5, 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được WHO gửi từ kho tại Thụy Sĩ và đã về đến TP HCM.
Thời gian qua, nhiều loại thuốc giải độc , chống độc rất thiếu ở Việt Nam. Đây là những thuốc thường ít khi bệnh nhân sử dụng, giá rất đắt nên các bệnh viện không dự trữ hoặc cần Bộ Y tế phê duyệt mua sắm. Điều này dẫn đến khi bệnh nhân có nhu cầu thì không có thuốc dùng, chậm trễ điều trị.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.