Một số cán bộ có tài sản rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc

(PLO) -  Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực tế thời gian vừa qua có một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý việc trên.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi có một vụ án tham nhũng đưa ra xét xử, người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa? cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi có một vụ án tham nhũng đưa ra xét xử, người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa? cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó.

Hôm nay (10/9), trong ngày làm việc đầu tiên của Phiên họp 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về một nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

“Có khả thi hay không lại là một chuyện

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật PCTN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến và thống nhất với phương án giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó Dự thảo Luật hiện đang thiết kế điều khoản này theo 2 phương án: xem xét, giải quyết tại toà (Phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2). Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Với phương án xử lý tài sản bất minh thông qua quy trình tố tụng tại toà (Phương án 1), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cử tri sẽ hoan nghênh phương án này vì thể hiện được quan điểm mạnh mẽ của nhà nước với nguyên tắc: đã là tài sản tham nhũng là phải tịch thu toàn bộ. Dù vậy, ông Phúc vẫn bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, nhất là khả năng của cơ quan kiểm soát tài sản vì các cơ quan đều kiêm nhiệm.

“Người Việt Nam có cái tình, cái lý nên việc cấp dưới chuyển yêu cầu đưa cấp trên ra toà xử lý về tài sản thì chắc là khó. Thực tế cuộc sống nó thế! Phương án xem xét tại toà là hay rồi nhưng có khả thi không lại là một chuyện”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề xuất lập cơ quan kiểm soát độc lập, tốt nhất là thuộc Quốc hội.

Còn Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến lại cho rằng, nếu không làm rõ được thế nào là “giải trình hợp lý” hay “giải trình không hợp lý” thì có đưa nhau ra toà thì có khi... cãi nhau trước toà vì “tài sản của cán bộ hình thành từ nhiều nguồn, đa dạng và phong phú, thậm chí nhạy cảm”. Ông Chiến cũng cho rằng cần đánh giá tác động toàn diện. Cơ quan kiểm soát tài sản họ có làm được không, có gì vướng mắc? Toà quyết thu hồi tài sản đó hay không thì có làm được không?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, để xử lý vấn đề này, cần trở lại gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Khi có quy định về kê khai tài sản, thu nhập thì chúng ta căn cứ vào đó, nếu có vi phạm thì xử lý.

Báo cáo Bộ Chính trị hai phương án

Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật này là phòng và chống tham nhũng. Vì vậy, trong Luật này, “phòng” cần làm nổi bật hơn. Theo đó, cần xác định PCTN  là việc làm thường xuyên, liên tục vì còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng, ở quốc gia nào cũng vậy, kể cả những nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ cũng khó tránh. Việc phòng ngừa tham nhũng  có ở rất nhiều luật, như Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Yhực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư công… chứ không chỉ luật này. “Ở nhiều nước thậm chí vẫn phát hiện Thủ tướng có nhiều tiền để trong nhà mà không tiêu được. Đó rõ ràng cũng là tiền tham nhũng, chỉ là vì không thể tiêu dùng bằng lượng tiền mặt nhiều như vậy nên mới bị phát hiện”, ông Hiển nói.

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, với tài sản, thu nhập không chứng minh nguồn gốc hợp lý thì chuyển sang cơ quan thuế. Yêu cầu nộp thuế 1 lần mức nộp là 35%, rồi phạt thêm 3 lần nữa, tức là thêm 115%, như vậy tổng là 145%, nhân với số ngày chậm nộp, nhân với số tiền nộp chậm rồi nhân với 0,5% nữa. Vi phạm thì cứ theo quy định của Luật Thuế mà xử lý. Nếu làm nghiêm như thế có khi thu vượt quá số tài sản mà “anh” không kê khai. “Chúng ta cứ làm thế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng. Quy định sang tòa, sang viện thì phức tạp ra. Quan điểm của tôi là xử lý tài sản này theo phương án dùng Thuế thu nhập cá nhân, không phải sửa gì nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ông Định cũng nhận định, thậm chí, người khai gian để trốn thuế ở mức độ lớn còn bị truy tố hình sự. Không thiếu chế tài để xử lý những trường hợp này.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đối với tài sản vi phạm pháp luật mà có, Bộ Luật Hình sự, Luật xử lý Vi phạm Hành chính đã quy định rất chi tiết việc tịch thu, sung công khi vi phạm pháp luật. Không những thế, Luật PCTN hiện hành và ngay trong Dự thảo của luật này cũng đã quy định rõ: Tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua có một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý việc trên. Và khi có một vụ án tham nhũng đưa ra xét xử, người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa? cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó. “Chính vì thế, cần có quy định để xử lý vấn đề này. Việc xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung, phù hợp với lòng dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Sau khi cân nhắc ưu điểm, nhược điểm của hai phương án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, UBTVQH sẽ báo cáo Bộ Chính trị hai phương án: phương án xem xét, quyết định tại tòa và phương án thu thuế thu nhập cá nhân

Đọc thêm