Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 27 dự kiến tiến hành từ ngày 10 đến 20/9.
Trong thời gian này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung, trong đó cho ý kiến về 8 dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Hành chính công; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo công tác năm 2018 và Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Báo cáo tổng hợp của Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.
Tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên hợp quốc về đóng góp Nguồn lực tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan; Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc thành lập Tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp; bổ sung số lượng Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên; thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội; phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam; việc bổ sung kinh phí mua hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp năm 2017; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội. Với nội dung chương trình phiên họp khá nhiều, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên sắp xếp thời gian công tác để tham gia phiên họp, thảo luận sâu sắc các nội dung chương trình đề ra.
Ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).