Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, hai nhà sáng lập Lê Trung Anh và Đồng Đức Thành của Kalotoys muốn tìm kiếm một nhà đầu tư có ước mơ lớn, có tầm nhìn từ 10 – 15 năm để đưa Kalotoys trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn cầu. Mức vốn kêu gọi đầu tư từ Kalotoys là 1 triệu USD cho 10% cổ phần.
Kalotoys là startup chuyên sản xuất đồ chơi giáo dục cho trẻ từ 0-5 tuổi, tập trung vào thị trường Mỹ, Australia và Canada. Sản phẩm của công ty được làm từ gỗ nhập khẩu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ASTM của Mỹ. Điểm nổi bật là khả năng cá nhân hóa sản phẩm với tên của trẻ chỉ trong 1,3 ngày.
|
Startup này áp dụng mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) qua website và các sàn thương mại điện tử như Amazon, Etsy. Chiến lược marketing của họ tập trung vào việc tạo nội dung viral và hướng dẫn trực tiếp cho phụ huynh.
Theo giới thiệu, năm 2023, Kalotoys đạt doanh thu 95 tỷ đồng với lợi nhuận 9,6 tỷ đồng. Trong kế hoạch năm 2024 sẽ về được doanh thu và lợi nhuận 250 tỷ, EBITDA khoảng 18%. Trong 3 năm tới, công ty đặt mục tiêu doanh thu 25 triệu USD.
Chia sẻ sâu hơn về bức tranh tài chính, hai nhà sáng lập tiết lộ vốn chủ sở hữu của Kalotoys là 20 tỷ đồng, tổng tài sản là 36 tỷ đồng, nợ ngân hàng hơn 5 tỷ đồng. Chi phí vận hành hiện ở mức trên 1,5 tỷ đồng/tháng, chiếm khoảng 3 – 4% doanh thu. Trong cấu trúc chi phí, giá vốn hàng bán rơi vào khoảng 16%, giá cho đơn vị vận chuyển khoảng 20 – 22%, marketing tầm 30 – 33% đã bao gồm cả chiết khấu cho sàn.
Đi theo mô hình B2C (trực tiếp tới khách hàng), Kalotoys bán trên các sàn thương mại điện tử và website. Trong doanh thu năm 2023, founder Kalotoys dẫn chứng 40% khách hàng mua từ website, 60% còn lại tới từ nền tảng E-commerce.
Cuối năm 2023 Kalotoys là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xuất hiện trong top 10 doanh nghiệp có lượng đơn hàng lớn nhất trong ngày trên một trong những nền tảng bán hàng lớn nhất ở Mỹ. Suốt 4 năm vừa qua, doanh thu chính của Kalotoys đến từ Úc, Mỹ và Canada.
"Hiện chúng tôi đã ra mắt ở thị trường Việt Nam được 3 tháng với kết quả tích cực", anh Thành chia sẻ
Về những thông tin mà startup chia sẻ, Shark Bình đặt câu hỏi: “Đã có lợi nhuận thế này rồi tại sao phải gọi vốn? Lên để truyền thông thôi à?" Đáp lời Shark Bình, ông Đồng Đức Thành cho biết, kế hoạch của Kalotoys là mở xưởng ở Mỹ vào cuối năm nay và startup muốn bổ sung thêm nguồn tài chính để đảm bảo quy mô vận hành lớn.
“Chúng tôi cũng là các bạn trẻ đi làm sau đó khởi nghiệp. Kinh nghiệm để quản trị một team 100, 200 người chắc là công ty vẫn vận hành được để có lợi nhuận. Tuy nhiên nếu mình thực sự có tham vọng lớn hơn thì mình cần có các Shark ở đây để tư vấn, góp ý cho mình”, Đồng Đức Thành cho hay.
|
Khi shark Minh đưa ra câu hỏi về năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, founder Kalotoys tự tin cạnh tranh với xưởng sản xuất của đối thủ.
Với tham vọng dài hạn, founder Kalotoys chia sẻ mong muốn đồng hành cùng nhà đầu tư trong vòng 10 - 15 năm nữa với tham vọng dài hạn. Thậm chí, tham vọng này còn lớn hơn mục tiêu IPO trong vòng 5 năm tới.
Shark Hưng đánh giá mô hình của Kalotoys thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên định hướng của ông không chỉ là nhà đầu tư tài chính thuần túy mà còn giúp đỡ startup ở nhiều phương diện khác. Nhận thấy bản thân không thể giúp startup làm tốt hơn những gì đang có, ông từ chối đầu tư.
Shark Phi Vân không có thế mạnh về thương mại điện tử nên cũng rời khỏi thương vụ này.
Thương vụ gọi vốn dần bước vào giai đoạn gay cấn khi các Shark liên tiếp nâng giá trị của tấm Vé Vàng, từ 150, 200, 210 triệu, số tiền dần được nâng lên đến 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ và cuối cùng dừng lại ở con số 5 tỷ của Shark Bình.
Trước sự quyết liệt của các Shark, Đức Thành nhấn mạnh rằng “một đồng của các Shark cũng rất là quý” nhưng bởi vì nhóm sáng lập muốn một tương lai xa hơn, tầm nhìn dài hơn nên quyết định từ chối nhận Vé Vàng của Shark Bình để có cơ hội đàm phán thêm với các Shark.
Shark Bình đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần.
Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 12% cổ phần và cho biết có thể giúp startup về nội dung, content và mạng lưới quan hệ sẵn có tại Mỹ. Chủ tịch Beta Group cũng cam kết giúp startup kêu gọi thêm tối thiểu 3 triệu USD vốn đầu tư nếu startup đạt được doanh thu 220 tỷ trong năm 2024.
Shark Thái thì đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 10%, giải ngân theo đợt tùy theo mục tiêu đạt được. Ngoài ra sẽ chuyển giao toàn bộ quy trình R&D, QC, sản xuất để giúp startup tối ưu chi phí sản xuất, quản lý vận hành nhà máy.
Với mục tiêu phát triển ở thị trường Mỹ trong thời gian tới, hai nhà sáng lập Kalotoys phân tích rằng startup cần mối quan hệ ở Mỹ của Shark Minh Beta và kinh nghiệm làm thương mại điện tử của Shark Bình.
Chính vì thế, startup đề xuất cả hai Shark cùng đầu tư với số tiền 1 triệu USD cho 10% cổ phần và nhanh chóng nhận được cái gật đầu của hai vị “Cá Mập”. Ngoài ra Shark Minh Beta cũng nhấn mạnh lại về cam kết giúp gọi vốn 3 triệu USD cho vòng tới nếu Kalotoys đạt doanh thu năm 2024 là 220 tỷ đồng.
|
Thương vụ gọi vốn khép lại thành công và Kalotoys có sự đồng hành của Shark Minh Beta và Shark Bình. |
Thương vụ gọi vốn khép lại thành công và Kalotoys có sự đồng hành của Shark Minh Beta với Shark Bình trên hành trình mở rộng thị trường tại Mỹ và đưa startup trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn cầu.