Shark Tank Việt Nam mùa 7: Startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại Việt Nam khiến các shark tung offer 'cực xịn'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh đó, Shark Thái cũng có deal đầu tiên khi bắt tay với startup chuyên dòng sản phẩm tẩy rửa đa năng ứng dụng công nghệ mới.

Startup bán mì Ramen chốt deal 2,5 tỷ đồng cho 25% cổ phần thành công

Startup xuất hiện đầu tiên trên Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 1 là Seichou Machi Ramen - startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại thị trường Việt Nam.

Mì ramen là một món ăn quốc dân trứ danh của Nhật Bản, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên “đất nước mặt trời mọc”. Tuy vậy, khi về đến Việt Nam thì giá thành của món ăn này lại khá cao, từ khoảng 150.000 - 250.000 đồng/bát nên thực khách khó có thể thưởng thức thường xuyên.

Năm 2019, trở về Việt Nam sau 4 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, Nguyễn Văn Duy và Đặng Hồng Nhung nhận thấy giá thành một bát mì ramen ở Việt Nam có thể giảm xuống so với mặt bằng chung.

Tính toán sử dụng nông sản Việt để hạ giá thành, hai nhà đồng sáng lập thuê một gian hàng 13 m2 tại phố chợ Hòe Nhai, Hà Nội, bán bát mì ramen với giá 55.000 đồng/bát (giá thành hiện giờ ở mức 89.000 - 109.000 đồng/bát).

Hiện Duy và Nhung đã có một nhà hàng 90m2 bán mì ramen thủ công, đồng thời nghiên cứu cho ra đời mì ramen đông lạnh, thuộc dòng ready-to-eat, chỉ cần hâm nóng là sử dụng được.

Đến Shark Tank Việt Nam mùa 7, Nguyễn Văn Duy chia sẻ định hướng phát triển của startup là mở rộng chuỗi cửa hàng mì tươi thủ công, đồng thời sản xuất mì ramen cấp đông để phục vụ tới nhiều người tiêu dùng hơn.

Để thuyết phục các Shark đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Seichou Machi Ramen cũng phân tích về lợi thế của hai mô hình kinh doanh này.

Với mô hình chuỗi, chỉ cần đầu tư khoảng 600 - 800 triệu đồng đã có thể mở một cửa hàng có diện tích khoảng 90m2, phục vụ cùng lúc được khoảng 45 khách. Giá bán một tô mì dao động từ 84.000 - 114.000 đồng, chi phí giá vốn chiếm từ 28 - 30%, ebitda (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) rơi vào khoảng 25%.

Với cửa hàng đang mở hiện tại, lợi nhuận startup đạt được mỗi tháng khoảng 120 triệu đồng. Còn với sản phẩm mì ramen cấp đông thì phân phối online (trực tuyến), giá bán lẻ trung bình từ 50 - 55.000 đồng/bát/vị, giá vốn từ 15.000 - 17.000 đồng bao gồm cả chi phí nhân công và đóng gói bao bì.

“Mì Ramen của bọn em là mì tươi được cấp đông, đóng gói và bán. Khi dùng chỉ cần đun lên hoặc rã đông bằng lò vi sóng… So với mì khô thì mì cấp đông có hương vị gần giống mì thủ công phục vụ tại các nhà hàng”, Nguyễn Văn Duy và vợ là Đặng Hồng Nhung lần lượt chia sẻ.

Với số vốn 2,5 tỷ kêu gọi tại Shark Tank, vợ chồng Duy - Nhung dự kiến dùng 1,5 tỷ để mở thêm 2 nhà hàng mới, 1 tỷ phát triển sản xuất sản phẩm đông lạnh. Đến năm 2025 sẽ tiếp tục kêu gọi 1,5 triệu USD đầu tư từ một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản.

Shark Minh Beta cảm thấy chưa được thuyết phục nên ông quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cũng từ chối thương vụ bởi không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh đóng gói.

Khác với Shark Hưng và Shark Minh Beta, ba vị “cá mập” còn lại lại rất hào hứng với thương vụ này.

Với thế mạnh về xây kênh, bán hàng online (trực tuyến) và có thể giúp startup kết nối với các KOC nổi tiếng, Shark Nguyễn Văn Thái đề nghị đầu tư 2,5 tỷ cho 35% cổ phần mảng sản xuất sản phẩm cấp đông.

Trong khi đó, Shark Bình từng nghiên cứu về lĩnh vực thực phẩm cấp đông nhanh và tự tin với hệ sinh thái Next Commerce chuyên tư vấn, triển khai D2C (direct to consumer - bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) cho các startup, các nhãn hàng cũng đề nghị đầu tư 2,5 tỷ để đổi lấy 25% cổ phần.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển chuỗi và nhượng quyền quốc tế, Shark Phi Vân đề nghị đầu tư 2,5 tỷ cho 35% cổ phần, đồng thời sẽ giúp startup ký nhượng quyền master với giá trị từ khoảng 500.000 - 1 triệu USD/hợp đồng.

Mong muốn có sự đồng hành của Shark Bình, Nguyễn Văn Duy đàm phán số vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng sẽ đổi lấy 13,5% cổ phần nhưng chưa được Chủ tịch NextTech đồng ý.

Quyết không bỏ lỡ startup hợp khẩu vị đầu tư, Shark Phi Vân nhấn mạnh rằng bà sẽ giúp startup ký master franchise (hợp đồng nhượng quyền độc quyền theo khu vực, lãnh thổ) chứ không phải là mở rộng từng cửa hàng một.

Bị thuyết phục bởi Shark Phi Vân, Nguyễn Văn Duy đề xuất bà cùng Shark Bình kết hợp đầu tư cho Seichou Machi Ramen.

Mong muốn có sự đồng hành của cả vị cá mập mạnh về kênh phân phối lẫn cá mập nhượng quyền, startup chốt deal thành công với Shark Phi Vân và Shark Bình, với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.

Shark Thái xuất chiêu, cạnh tranh với dàn 'cá mập' kì cựu', chốt deal đầu tiên khi tham gia 'bể cá mập'

Với khát vọng mang đến sản phẩm tẩy rửa đa năng “made in Việt Nam” an toàn cho người sử dụng, thân thiện môi trường với giá phù hợp người tiêu dùng Việt, Tiến sĩ hóa học Vũ Thị Tần, giảng viên đại học Bách Khoa Hà Nội, đã nghiên cứu và cho ra đời T-CLEAN.

T-CLEAN là dòng sản phẩm tẩy rửa đa năng ứng dụng công nghệ mới ra đời. Hiện, thương hiệu này đã có 13 sản phẩm, nổi bật là chai tẩy gương kính, bồn cầu, vòi sen inox, gạch lát nền và bột có chức năng làm sạch quần áo, dầu mỡ, xoong nồi, thông cống.

Điểm đặc biệt của sản phẩm T-CLEAN là có thành phần tự nhiên được nhập khẩu hoặc cung cấp từ những nhà cung cấp uy tín được kiểm định chất lượng. Chất chính để tẩy rửa là các chất hoạt động bề mặt chiết xuất từ dừa, ngô, cọ, thông… nên an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người sử dụng, cho môi trường.

Theo giới thiệu, sản phẩm nước tẩy rửa của T-Clean có giá cả phù hợp, 1 chai 89 nghìn đồng, đang được bán trên các sàn TMĐT và nhận về đánh giá 4,9 sao. Bên cạnh đó, trung bình từ 60-70 ngày khách hàng sẽ quay lại mua sản phẩm. Hiện tại, T-Clean đang có một xưởng sản xuất quy mô 300m2 với 5 nhân viên vận hành.

Các Shark nhận định điểm mạnh của startup này chính là sản phẩm, sáng chế nhưng cũng chỉ ra điểm yếu về vận hành, quảng bá thương hiệu và trở ngại trong việc phát triển mở rộng phân phối, sản xuất.

Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, T-CLEAN gọi vốn 3 tỷ cho 10% cổ phần. Chia sẻ về cách sử dụng nguồn vốn huy động, đại diện T-CLEAN cho biết sẽ dùng để mở rộng sản xuất và mở rộng kênh phân phối nhằm mục tiêu tăng trưởng từ 100-300% trong 3 năm tiếp theo.

Shark Bình cho rằng, ông có 1 hệ sinh thái hỗ trợ để đưa sản phẩm này ra thị trường và đề nghị 3 tỷ đồng cho 35%, đồng thời sẽ là đối tác hỗ trợ vốn trọn đời.

Đối với Shark Thái, đây có thể nói là lĩnh vực chuyên môn khi các sản phẩm tương đối đặc thù, có điểm chung với sản phẩm mỹ phẩm mà ông đang làm chủ. Thậm chí Shark Thái còn tiết lộ ông cũng từng nghiên cứu dự án chất tẩy rửa nhưng đã tạm dừng nên khi gặp T-Clean ông thấy khá hứng thú. Khẳng định điểm yếu của startup là điểm mạnh của mình, Shark Thái cũng đề nghị 3 tỷ cho 35% cổ phần đồng thời sẽ đồng hành, hỗ trợ dự án.

Shark Hưng cho biết tuy không thể cho vay nhưng cam kết sẽ mang lại doanh thu cho dự án.

Sau khi trao đổi với cộng sự, đại diện T-CLEAN cho biết số cổ phần tối đa có thể chia sẻ là 15%. Shark Minh và Shark Thái xuống deal 3 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Đồng thời Shark Thái cho biết sẵn sàng thoái vốn khi cần.

Shark Bình điều chỉnh lại deal 1,5 tỷ cho 15% cổ phần và 1,5 tỷ là vốn vay. Sau nhiều hồi đàm phán, cuối cùng, Shark Thái đồng ý đầu tư cho T-CLEAN 3 tỷ để đổi lấy 18% cổ phần, chốt lại thương vụ thành công đầu tiên của Shark Thái ngay sau khi gia nhập “bể cá mập”.

Đọc thêm