Dưới hình thức những lá thư gửi từ nhân vật chính – một chàng trai Mỹ gốc Việt với biệt danh Chó Con, đến người mẹ mù chữ của mình, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian mang dáng dấp tự truyện của chính Ocean Vuong, người chuyển đến Mỹ năm hai tuổi, sống với người mẹ đơn thân làm nghề móng trong một gia đình không ai biết tiếng Anh.
Dệt nên từ hoài niệm và những tâm tư sâu kín, cuốn sách chất chứa những dằn vặt tuổi trưởng thành, sự hoài nghi về căn tính và nỗi cô đơn của kẻ bên lề. Cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con từ thuở ấu thơ đến lúc chớm trưởng thành, mà là cả ba thế hệ: từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư kéo dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ. Chính ảnh hưởng từ họ – những người phụ nữ can trường, chai sạn, bị vắt kiệt bởi chiến tranh – đã hình thành nên xương sống của cuốn tiểu thuyết và đặt ra câu hỏi cốt lõi: chúng ta yêu thế nào sau bao đau thương?
Là một đứa bé da vàng sống trong một quận phần đông da trắng, Chó Con ý thức rõ sự khác lạ của mình, cậu thường xuyên bị bắt nạt vì màu da, nhưng cũng tìm thấy sự an ủi ở những hàng xóm da màu, đi nhà thờ cùng với họ. Sống trong một quận phồn thịnh, Chó Con được chứng kiến những mặt tối, bạo lực, tuyệt vọng của người nghèo và người da màu Mỹ, với những bạo hành gia đình, chơi ma túy và chết vì sốc thuốc. Ngay cả trong gia đình cậu cũng có bạo lực, từ người mẹ kiệt quệ vì công việc nên thường trút bực tức và mệt nhọc xuống đứa con, và từ những ký ức chiến tranh, nhà cháy, người chết của bà ngoại, giờ đã dở điên dở tỉnh.
Nhưng đó cũng là một gia đình tràn ngập tình yêu, thứ tình yêu của những con người bấu víu vào nhau vì không còn ai. Chó Con, học tiếng Anh dưới sự chỉ dẫn của một cô giáo tận tình, đã trở thành người phiên dịch của gia đình, người trung gian khiến mẹ cậu hiểu được văn hóa Mỹ. Đến lượt mình, mẹ và bà dạy cậu cách kiên cường, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, và cả con mắt nhìn nhận được cái đẹp của thế giới, dù là một cánh chim ruồi, một vạt hoa, hay một chiếc đầm trong cửa hàng...
Trong cuốn sách của mình, Vuong bóc tách hiện thực trần trụi bằng ngôn ngữ thấm đượm chất thơ. Khi lặn sâu vào ký ức, anh tỉ mẩn so sánh một trận bom nơi quê hương với những cánh bướm vua tan nát, khúc chân hoại tử vì bệnh tật với những đóa hoa tím vô danh, hay mái tóc bạc trắng của bà ngoại với tuyết. Ký ức với Vuong có lẽ cũng giống như tuyết phủ, vừa tê tái lại vừa đẹp đẽ lạ thường, với những niềm hy vọng khơi lên giữa đớn đau. Đó là chiếc khăn xanh màu trời mà ngoại Lan dùng quấn tã cho mẹ giữa khung cảnh ám mùi thuốc súng và chết chóc, là những người phụ nữ vùng chạy khỏi số phận bất hạnh để gồng gánh một gia đình mà không có đàn ông. Họ tiếp tục sống, với niềm tin bất diệt rằng đau thương sẽ nhòa mờ đi trên đôi cánh của tình yêu và khát vọng.
Không chỉ phóng chiếu những hoang mang về căn tính của người nhập cư, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian còn là cuốn tiểu thuyết về những giằng xé tuổi trưởng thành. Vượt lên trên câu chuyện tình đồng tính giữa Chó Con và chàng thanh niên da trắng Trevor là khao khát được yêu thương và thấu hiểu của những con người trẻ tuổi. Đó còn là hành trình nhìn sâu vào bản ngã, lấp đầy những tâm hồn nhiều tổn thương bằng sự đồng cảm và tình yêu, thứ tình yêu thô ráp, trần trụi mà mang tính chữa lành hơn cả.
Hơn cả một tự truyện, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là cuốn tiểu thuyết ý thức rõ nét về cả nỗi khổ đau lẫn niềm kiêu hãnh của con người. Niềm kiêu hãnh ấy khiến con người trở nên đẹp đẽ, dù những phút huy hoàng đều ngắn ngủi như thời khắc một bông hoa hướng dương vươn về phía ánh sáng mặt trời. Giống như câu mà Chó Con đã viết trong một bức thư gửi mẹ: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ ạ. Mình sinh ra từ cái đẹp.”