Mốt xuất ngoại chữa bệnh

(PLVN) - Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người Việt Nam có điều kiện kinh tế tốt đã chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh ngay cả với những căn bệnh mà ngành Y tế Việt Nam vẫn đủ sức chữa trị.
Người Việt chi hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm
Người Việt chi hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm

Chữa bệnh cũng sính ngoại

Người xưa có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”, bên cạnh đó cùng với một nền kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu chọn lựa dịch vụ y tế tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình là nhu cầu chính đáng. Vì vậy, không ít người đã chọn ra nước ngoài để khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nhiều trường hợp bệnh không cần thiết ra nước ngoài mà có thể chữa trị rất hiệu quả trong nước.

Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh với khoảng 1 tỉ USD viện phí. Đổ một số tiền lớn vào những chuyến đi khám bệnh ở nước ngoài nhưng hiệu quả không phải lúc nào cũng như mong đợi. Nhiều người phải ngưng điều trị nửa chừng vì không kham nổi chi phí điều trị quá đắt. Chưa kể đến khi gặp rủi ro thì hầu hết họ đành cam chịu không biết kêu ai vì đất khách quê người, không thông thạo ngôn ngữ. Thời gian gần đây, ngoài Singapore là địa chỉ nhiều người dân nước ta tìm đến nhất, thì Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ cũng là điểm tìm đến của không ít bệnh nhân.

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong thời gian vừa qua, khoa Điều trị tự nguyện A đã tiếp nhận khoảng gần chục trường hợp bệnh nhi vào khám, chữa bệnh sau khi trở về từ đợt khám bệnh ở nước ngoài.

Hiện nay, phương pháp điều trị các căn bệnh nguy hiểm như ung thư tại Việt Nam đều tuân thủ quy trình chuẩn Quốc tế. Với mỗi quy trình, các cơ sở điều trị ung thư trong nước đã áp dụng các phương pháp và máy móc tiên tiến. Về điều trị, các cơ sở điều trị ung thư trong nước cũng đã làm chủ các phương pháp mới. Do đó, về trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị thì không có sự khác biệt nhiều giữa bệnh viện Việt Nam với bệnh viện ở các nước lân cận. 

Không riêng gì bệnh ung thư, nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế gặp phải những căn bệnh nhẹ cũng “chạy” ra nước ngoài điều trị và chấp nhận mức chi phí cao gấp nhiều lần trong nước như: nội soi dạ dày, thực quản tồn từ 2.000 – 3.000 SGD, cắt ruột thừa 6.000 – 7.000 SGD, cắt trĩ 3.500 – 5.000 SGD, nhổ răng 2.500 – 3.000 SGD… Trong khi đó, đây là những kỹ thuật đơn giản mà trong nước từ lâu đã làm tốt.

Người bệnh sính ngoại hay mất niềm tin y tế nước nhà?

Trên thực tế, có phải người bệnh nào đi nước ngoài chữa bệnh cũng là sính ngoại? Chúng ta không phủ nhận về một số mặt y tế nước ta còn kém so với các nước có nền y tế phát triển, đặc biệt về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ở nước ngoài y tế được coi là một loại hình dịch vụ nên chi phí khám chữa bệnh rất cao. Do đó, ngoài chất lượng điều trị thì điều đáng quan tâm nhất khi khám chữa bệnh ở nước ngoài là khả năng kinh tế, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định khám chữa bệnh ở nước ngoài để hạn chế các rủi ro. Đối với các kỹ thuật trong nước có thể thực hiện tốt thì nên điều trị trong nước để đỡ tốn kém và tránh “chảy” nguồn ngoại tệ ra nước ngoài một cách lãng phí. Bên cạnh đó, trình độ y tế của Việt Nam ngày càng phát triển, không thua kém so với các nước trong khu vực, cả về tay nghề, chuyên môn, thuốc men...Thậm chí, trong một số lĩnh vực, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế ở các nước còn sang Việt Nam học tập.

Chẳng hạn, với bệnh ung thư, Việt Nam đã có nhiều phương pháp tiên tiến để tầm soát và phát hiện ung thư sớm như nội soi dạ dày, cuống phổi, ruột, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI) và PET /CT... Các phương pháp điều trị đã được nâng cấp đáng kể với các liệu pháp hiện đại và đa dạng gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị và sinh trị (liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch). Cả nước đã có nhiều máy xạ trị gia tốc hiện đại. Các phương pháp mới gọi chung là sinh trị gồm liệu pháp nhắm trúng đích đã được áp dụng và liệu pháp miễn dịch thành tựu nóng hổi cũng bắt đầu được dùng.

Song song với những yếu tố về mặt kỹ thuật, trang thiết bị máy móc và chuyên môn thì nguyên  nhân cũng một phần do điều kiện phục vụ ở các cơ sở y tế của Việt Nam còn yếu kém và thường xuyên bị quá tải. Sự quá tải dẫn đến nhiều hậu quả: Bệnh nhân phải chờ đợi, tinh thần, thái độ phục vụ không được chu đáo, điều kiện ăn ở, vệ sinh không đảm bảo... 

Nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế không chấp nhận cảnh đứng xếp hàng từ 5-6h sáng để chờ đến lượt khám bệnh, đến lượt khám cũng chỉ được 1-2 phút, muốn hỏi gì thì bác sĩ cũng không có thời gian để giải thích. Chưa kể, vào viện phải nằm ghép 2-3 người một giường. Đó là điều không thể chấp nhận được trong thời đại này, nhất là với người có tiền.

Điều mà bệnh viện nước ngoài làm tốt hơn hẳn là vấn đề về dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý trong điều trị. Tuy không phải là khía cạnh quyết định về y tế, những chi tiết này lại đóng vai trò rất quan trọng để giúp bệnh nhân và người nhà thoải mái, có thể theo được suốt quá trình điều trị.

Nhiều bệnh nhân không tin vào nền y học nước nhà. Trong khi những năm gần đây, Y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp tâm lý sính ngoại. Khá nhiều bệnh nhân hay người nhà đã dùng những kết quả khám bệnh ở nước ngoài để phán xét các thầy thuốc trong nước, đánh giá thấp nền Y tế Việt Nam.

Với những mặt hạn chế trên, mỗi năm Việt Nam mất cả tỷ USD vì người Việt ra nước ngoài chữa bệnh. Từ đó, muốn thay đổi điều này không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều về cơ sở hạ tầng, tinh thần, thái độ phục vụ. 

Đọc thêm