Mù mờ chọn... ngành, nghề tuyển sinh ĐH 2011

 Thời điểm sĩ tử phải đăng kí dự thi, lựa chọn ngành học đã đến gần và câu chuyện muôn năm cũ lại xảy ra khi không ít thí sinh vẫn xác định tinh thần đi thi... “cho vui”, bởi hàng năm chỉ có trên 30% thí sinh đạt điểm trên sàn. Phần còn lại, rất nhiều thí sinh có khả năng đỗ vẫn đang loay hoay bài toán chọn ngành, nghề.

Thời điểm sĩ tử phải đăng kí dự thi, lựa chọn ngành học đã đến gần và câu chuyện muôn năm cũ lại xảy ra khi không ít thí sinh vẫn xác định tinh thần đi thi... “cho vui” bởi hàng năm chỉ có trên 30% thí sinh đạt điểm trên sàn. Phần còn lại, rất nhiều thí sinh có khả năng đỗ vẫn đang loay hoay bài toán chọn ngành, nghề.

Thích thể hiện “đẳng cấp”

Lê Mai Anh, học sinh lớp 12 THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện em vẫn chưa biết mình sẽ lựa chọn nghề nghiệp như thế nào để tìm trường thi.

“Bố mẹ đều muốn tôi  làm cô giáo, còn thầy cô thì bảo xem sức học của mình để chọn trường, tôi thì không biết mình thích nghề gì. Hiện tại tôi thấy mông lung, chưa biết mình sẽ thi vào đâu”, Mai Anh nói.
Đây không chỉ là thắc mắc riêng của cô học sinh này mà đó còn là sư băn khoan của một bộ phận lớn học sinh phổ thông trên cả nước hiện nay.
Thí sinh căng thẳng trong phòng thi, kỳ thi ĐH-CĐ 2010
Thí sinh căng thẳng trong phòng thi, kỳ thi ĐH-CĐ 2010
Thực tế, không ít học sinh thi đỗ ĐH, đến khi nhập học mới biết mình không phù hợp với lựa chọn này. Ngược lại, nhiều học sinh lớp 9, 12 - dù biết mình không có khả năng vào ĐH,CĐ cũng không lựa chọn con đường học nghề...

Một cuộc khảo sát của TS.Phạm Mạnh Hà (ĐH KHXH& NV Hà Nội) với tên đề tài “Những đặc điểm tâm lý trong chọn nghề của học sinh THPT ở Hà Nội” đã cho ra kết quả: Tỉ lệ chọn sai nghề nghiệp ở giới trẻ chiếm khoảng trên 60%. Kết quả cũng cho thấy, chỉ 4,26% học sinh có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về nghề mình lựa chọn; 18,77% có hiểu biết tương đối đầy đủ nhưng hời hợt về nghề; 76,97% thiếu hiểu biết về nghề mà bản thân đã quyết định lựa chọn.

Trong khi đó, có những bạn thể trạng rất kém, sợ máu, sợ dao kéo nhưng “thích” học Y hay sợ độ cao nhưng lại “ngắm” ngành Xây dựng, Kiến trúc. Những sai lầm kiểu này có khi còn dẫn đến cả nguy hiểm về tính mạng.

Cũng theo TS.Hà, qua quá trình làm việc, ông nhận thấy ở nhóm những học sinh khá, giỏi thì tình trạng chọn sai nghề nghiệp còn cao hơn. Những học sinh này thường phải thi những trường ở top trên, thể hiện được “đẳng cấp” của mình, trong khi chưa chú trọng đến đam mê, sở thích. Học sinh ở những trường này, thậm chí học chuyên Văn, Sử, Địa nhưng không có một em nào thi khối C hay thi vào những trường khối Xã hội.

Áp lực vào đại học

Hằng năm có trên 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, khoảng 70% trong số đó đến dự thi. Nhưng số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên chỉ chiếm khoảng 32-34% (trong đó, khoảng 70% là học sinh vừa tốt nghiệp THPT). Trên thực tế, một tỉ lệ khá cao các bạn thi đại học mà trượt nguyện vọng 1 (NV1), chấp nhận đăng ký học NV2, NV3 đều chỉ là học để lấp chỗ trống và sang năm sẽ thi lại. 

Từ góc độ người trong cuộc, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh phân tích sự lãng phí từ một góc nhìn khác: “Nhiều em tốt nghiệp ĐH nhưng không kiếm được việc làm phù hợp với nghề và trình độ đào tạo, phải làm việc khác, phải đào tạo lại. Ngoài ra, hướng nghiệp kém khiến đa số học sinh học đến lớp 12 rồi vẫn không xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình. Em nào cũng nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, đa số nộp nhiều hồ sơ vào nhiều trường khác nhau. Đến ngày thi thì phải bỏ hết, chỉ thi được một trường. Nhiều em đi thi cho vui, điểm thi không cao. Tất cả những biểu hiện này đều gây sự lãng phí lớn”.

Vào đại học chỉ là một trong các phương tiện để có thành công

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, các bạn trẻ học 12 năm chỉ để đi đến cái đích đỗ ĐH là một suy nghĩ sai lầm, hãy coi ĐH chỉ là một phương tiện để đạt sự thành công trong sự nghiệp. Đã là phương tiện thì ta sẽ có nhiều cách lựa chọn các phương tiện khác. Đơn cử, không có ô tô thì ta đi xe máy, không có xe máy thì ta đi xe đạp... Trong cuộc sống, các bạn phải chỉ ra, chúng ta sẽ làm được gì cho bản thân và xã hội. Khi đã lựa chọn mục tiêu rồi thì ta mới chọn phương tiện.

PGS.TS.Phạm Văn Điển (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, có nhiều tiêu chí để chọn nghề, nhưng có ba tiêu chí cốt lõi nhất cấu thành “tam giác” chọn nghề mà các bạn trẻ cần dựa vào để tự lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp: Trước hết, quan trọng nhất là năng lực học tập, tiếp đó là sở thích và tính cách - bạn phải biết mình thích lĩnh vực gì, ngành gì; tính cách của mình là gì - trầm lắng hay sôi nổi... và một điều nữa là nhu cầu xã hội - bạn phải tìm hiểu rõ ngành nghề mình dự kiến chọn có được xã hội trưng dụng hay không, ở mức độ và quy mô nào?

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, số cơ sở đào tạo ĐH, CĐ từ 422 vào năm 2009, sang năm 2010 tăng lên 434, tính cả các phân hiệu, con số này có thể sẽ cao hơn. Số cơ sở đào tạo, số ngành học tăng lên, cơ hội lựa chọn ngành của thí sinh cũng tăng. Đồng thời đó cũng là thách thức đối với thí sinh, vì ngoài những khác biệt về chương trình, cơ sở, phương pháp, mỗi cơ sở đào tạo có điểm chuẩn khác nhau. Vì vậy, bên cạnh xác định sở thích nghề nghiệp, thí sinh phải cân nhắc đến sức học của mình khi chọn ngành, trường.

TS.Điển cũng lưu ý là thí sinh cần nắm rõ, cùng một ngành học bậc CĐ, ĐH nhưng có thể có nhiều nghề nghiệp khác nhau cùng thích ứng, chẳng hạn cùng tốt nghiệp ĐH từ ngành học Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, nhưng có thể làm nghề khác nhau, như: giảng viên đại học, nghiên cứu viên của viện khoa học, chuyên viên tại các cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, doanh nhân, cảnh sát môi trường, hướng dẫn viên du lịch, giám sát tài nguyên môi trường...

Nói một cách ví von, có thể coi nghề nghiệp là một cái cây có nhiều cành, có nhiều nghề giống nhau nhưng có thể được xếp trên các cành nhánh khác nhau, tùy theo lĩnh vực hoạt động và phạm vi ảnh hưởng của nghề nghiệp ấy. Chẳng hạn, cùng là nghề kế toán viên, nhưng cũng có sự phân biệt ít nhiều giữa kế toán viên trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, nông nghiệp, đối ngoại hay tài chính ngân hàng.

Điều đó cho thấy rằng, một khi đã chọn được nghề nghiệp, thì vẫn cần phấn đấu học tập và rèn luyện, để có thể chuyển từ hẹp sang rộng, từ nông đến sâu, tự hoàn thiện mình để có thể “chuyền” từ cành này sang cành khác, thậm chí là từ cây này sang cây khác, từ khu rừng này sang khu rừng khác, từ lãnh địa này sang lãnh địa khác.

“Trong nhiều trường hợp, ngành học và công việc thực tiễn có sự khác biệt lớn, nhưng điểm chung giữa chúng là đều phải dựa vào những kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt của mỗi người. Chọn nghề không chỉ là một định hướng việc làm, mà còn là một quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ” - TS.Điển chia sẻ.

Uyên Na

Đọc thêm