Mua bán, xử lý nợ xấu: Phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp

(PLO) - Với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện”,  Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF 2018 diễn ra hôm qua (15/11) tập trung vào việc bàn thảo, chia sẻ và trao đổi 4 nội dung quan trọng: Tình hình kinh tế - tài chính châu Á; An ninh tài chính châu Á, tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu; Thị trường xử lý nợ châu Á: cơ hội và thách thức; Nhân tố ảnh hưởng và xu hướng thị trường xử lý nợ châu Á.
Các thành viên IPAF chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF 2018
Các thành viên IPAF chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF 2018

Từ cách làm của DATC

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu, đại diện Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), đơn vị cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức Diễn đàn IPAF 2018 cho biết, DATC lấy xử lý nợ gắn với tái thiết phục hồi DN là cơ chế hoạt động chủ đạo. DATC thực hiện nhiệm vụ thông qua 2 chức năng chính: Chức năng công cụ để thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao và chức năng kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh:“Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc TCC hệ thống các tổ chức tín dụng và TCC DNNN trong tổng thể chương trình TCC nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính…”.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC, quy trình thực hiện phương án tái cơ cấu (TCC) doanh nghiệp (DN) thông qua hoạt động xử lý nợ tại DATC đòi hỏi phải tuân thủ một loạt các yêu cầu công việc từ tìm hiểu thông tin về DN để đánh giá khả năng tái thiết, phục hồi,  phát triển và xác định phương án xử lý nợ phù hợp, xác định giá và đàm phán mua nợ để trở thành chủ nợ mới, đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và nợ phải trả để làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau TCC, TCC bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN, TCC lại hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, vùng nhiên liệu, hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động SXKD.

“So với các biện pháp xử lý nợ khác như mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản…, thì cơ chế xử lý nợ gắn với tái thiết DN của DATC có đặc điểm nổi bật là xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu, làm gia tăng giá trị DN qua đó làm gia tăng giá trị khoản nợ xấu, gắn việc xử lý nợ với đảm bảo an sinh xã hội và tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) (thu thuế mới và thu nợ đọng thuế, nợ đọng bảo hiểm xã hội) và xã hội hóa đầu tư cho các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia xử lý nợ hoặc nhận chuyển nhượng vốn góp sau này…” - Phó Tổng Giám đốc DATC phân tích. 

Được biết, kể từ khi đi vào hoạt động chính thức đến nay, DATC đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ đọng trong và ngoài nước cho DN; Hỗ trợ trên 3.000 DN xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa; Xử lý nợ để TCC, chuyển đổi sở hữu cho 180 DN, trong đó có 80 DNNN với giá trị chuyển nợ thành vốn góp trên 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, DATC cũng giúp trên 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn tất cổ phần hóa, trong đó có những công ty mà Nhà nước chỉ đạo thực hiện cả năm trời không thực hiện được nhưng qua DATC đã thành công; Qua đó DATC  giúp hàng chục nghìn lao động có công ăn việc làm, giúp xử lý nợ đọng thuế và bảo hiểm xã hội, tăng nguồn thu cho NSNN, bổ sung hàng hóa cho thị trường chứng khoán, kết nối nhà đầu tư với DN…

VAMC: Vẫn loay hoay với tái cơ cấu doanh nghiệp

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn IPAF 2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức trở thành thành viên mới của IPAF. “Sinh sau, đẻ muộn” hơn DATC, mặc dù với vốn điều lệ còn khiêm tốn, lũy kế sau 5 năm hoạt động (đến hết ngày 30/6/2018) VAMC đã thực hiện mua 26 nghìn khoản nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua đạt trên 280 nghìn tỷ đồng. Mua nợ xấu theo giá thị trường đạt 3.523 tỷ đồng. Số nợ xấu đã được xử lý, thu hồi qua VAMC đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng.

Theo TS Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, thực ra VAMC mới mua nợ theo giá thị trường từ năm 2017, tuy nhiên hoạt động xử lý nợ của VAMC mới chỉ dừng ở việc đôn đốc, thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ cho các khách hàng có khả năng phục hồi SXKD và bán nợ, tài sản bảo đảm, còn các hoạt động TCC DN thông qua chuyển nợ thành vốn góp, đầu tư, góp vốn, mua cổ phần… vẫn chưa được triển khai.

“Tuy nhiên, VAMC định hướng trong những năm tới sẽ từng  bước thực hiện sau khi VAMC đã được bổ sung đủ nguồn lực về vốn, nhân lực đáp ứng yêu cầu quản trị và tái cấu trúc DN…” - ông Thắng cho hay. 

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với TCC DN như: Các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ được thực hiện cấp tín dụng, bảo lãnh để DN TCC nguồn vốn phục vụ hoạt động SXKD; Sử dụng chính sách thuế như miễn thuế, giảm thuế… đối với tổ chức xử lý nợ, các DN được TCC thông qua xử lý nợ…

Đọc thêm