1. Những chiếc lá đỏ đầu tiên của mùa đông bắt đầu rơi lãng đãng. Buổi sáng, bên vỉa hè góc phố khu nhà thờ, những chén trà xanh sóng sánh ủ ấm trong bàn tay. Mùa đông đang về trên phố. Chợt thấy vương vấn đâu đây những thanh âm của Nguyễn Ánh 9 (ảnh), khi vô tình những ngày này, nhà đài làm một chương trình về ông. Giống như một khoảng lặng về một miền đầy hoài nhớ xa xăm, thổn thức bởi một hình bóng không phai mờ, mãi mãi tuyệt đẹp dù chỉ là trong ký ức.
Không giống Trịnh Công Sơn, tình khúc của Nguyễn Ánh 9 dường như chỉ gắn với hình ảnh một người con gái đi qua đời ông và để lại vết thương lòng không phai dấu. Những tình khúc buồn đã ở lại trong tim mỗi người như “Không”, “Buồn ơi chào mi”, “Kỷ niệm”, “Đêm nay ai đưa em về”... là những hoài niệm, khắc khoải và day dứt khôn nguôi về một thời đã xa, một cuộc tình dang dở.
Và rồi, mỗi chúng ta như nhớ về những chiếc radio, những chiếc máy quay đĩa cũ trong những năm tháng khi cuộc sống còn chầm chậm trôi qua kẽ ngón tay... Những tên tuổi của âm nhạc Sài Gòn trước năm 1975, sống trong ký ức của công chúng bây giờ ngoài Trịnh Công Sơn chỉ còn Phạm Duy, Ngô Vũ Thuỵ Miên, Vũ Thành An và Nguyễn Ánh 9...
Đó là người nghệ sĩ dành cả đời mình để đắm đuối, tụng ca tình yêu, dù trong niềm hân hoan hay nỗi đau đớn tột cùng. Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng với những tình khúc buồn, ông còn là danh cầm có thể đẩy các giọng ca thăng hoa. Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Thúy..., ở thời đỉnh cao đã luôn tin tưởng cậy nhờ ngón đàn của ông dìu dắt cho tiếng hát của mình.
2. Và một hình ảnh khác, một nghệ sỹ đường phố với cây đàn violon, nghệ sỹ Tạ Trí Hải, bạn gặp ông trong những ngày Đại lễ bên Bờ hồ khi ông với cây vĩ cầm và những bài hát Trịnh Công Sơn đã níu chân người qua lại.
Bây giờ, trong Festivan cầu Long Biên, ông lại dẫn đầu đoàn rước với cây vĩ cầm... Ông là người Hà Nội gốc nhưng nhiều năm nay ông sống tại TP.Hồ Chí Minh với CLB Ngàn sao vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, sở dĩ có tên gọi đó vì CLB của ông là góc Công viên 30/4... Vây quanh ông là những bạn trẻ, những người đã vô tình nghe nhịp đàn diệu vợi hay náo nức của người nghệ sỹ già râu tóc trắng muốt và một đôi mắt buồn chẳng thể buồn hơn được nữa...
Dường như những nỗi buồn ông giữ cho riêng mình, khi trò chuyện ông lại khá cởi mở với các bạn trẻ quanh mình. Thậm chí những du khách hiếu kỳ đứng nghe tiếng đàn cũng được người đàn ông biết tới ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga này tiếp chuyện khá vui vẻ. Ông nói, ông đã bôn ba nhiều nhưng cuối cùng ông sống một mình, đạm bạc, không người thân. Có lẽ bởi thế, với dáng vè lịch lãm tựa như bạn đang gặp một người nghệ sỹ già ở một góc phố châu Âu cổ kính, xa xôi. Ông nói, có lẽ những người lãng mạn thường buồn...
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cũng nói vậy. Bạn chợt nhớ một câu thơ xưa cũ: “Lãng mạn là gì?/ Lãng mạn là chi?/ Lãng mạn bây giờ như xa xỉ phẩm...” khi mỗi ngày, mỗi chúng ta đều học cách cười tràn khi gió ào ạt thổi...
Miên Thảo