Theo Reuters, giải Nobel Y học năm nay được trao cho các nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì phát hiện của họ về cơ chế phân tử kiểm soát đồng hồ sinh học của cơ thể. Theo Ủy ban giải Nobel Y học, phát hiện của những nhà khoa học này đã giúp giải thích cách thức động thực vật và con người thích ứng nhịp sinh học của mình để đồng bộ với sự tiến hóa của trái đất.
Ông Jeffrey C. Hall sinh năm 1945 tại Mỹ, có bằng tiến sĩ và hiện làm việc tại Trường Đại học Maine. Còn Tiến sỹ Michael Rosbash, năm nay 73 tuổi, đang làm việc tại Trường Đại học Brandeis. Người còn lại trong bộ 3 này là Tiến sỹ Michael W. Young, sinh năm 1949, làm việc tại Trường Đại học Rockefeller từ năm 1978 cho đến nay.
Năm 2016, giải Nobel Y học đã được trao cho nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi, 72 tuổi, nhờ phát hiện của ông về các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào, giúp giải thích cơ chế bất thường trong một loạt căn bệnh hiểm nghèo, từ ung thư đến Parkinson. Sau giải Nobel Y học, hôm nay (3/10), chủ nhân của giải Nobel trong lĩnh vực vật lý sẽ được công bố, với chiến thắng được dự báo có thể sẽ trao cho những phát hiện liên quan đến các sóng hấp dẫn.
Sóng hấp dẫn được Albert Einstein đề cập đến từ 1 thế kỷ trước trong thuyết tương đối rộng của ông nhưng bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của các sóng này chỉ được 2 nhà thăm dò người Mỹ phát hiện vào năm 2015. Song, phát hiện này hiện đang bị Ủy ban Nobel xem là quá gần để trao giải. Theo tờ Dagens Nyheter, thay vào đó, Ủy ban chấm giải Nobel có thể sẽ vinh danh khám phá của các nhà thiên văn học người Thụy Sỹ Michel Mayor và Didier Queloz về những hành tinh giống trái đất bên ngoài vũ trụ.
Tiếp sau đó, đến ngày 4/10, Ủy ban trao giải Nobel hóa học có thể sẽ đồng ý trao giải thưởng này cho kỹ thuật chỉnh sửa gen có tên công cụ CRISPR-Cas9 DNA – một dạng “kéo” cắt gen được sử dụng để cắt bỏ một đoạn gen bị biến đổi trong phôi thai người và thay bằng đoạn gen đã được “sửa chữa”.
Tuy nhiên, phát hiện này cũng có thể sẽ bị cho là còn quá sớm để được trao giải Nobel vì hiện cuộc tranh cãi pháp lý về việc ai là người đã phát hiện ra kỹ thuật này vẫn chưa chấm dứt. Cả nhóm 2 nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Pháp Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna và nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung Quốc Feng Zhang đều nhận phát hiện này là của họ.
Một ứng viên khác có cơ hội chiến thắng cao ở giải thưởng này là nhà điện giải học 95 tuổi John Goodenough, người đi tiên phong trong các nghiên cứu đã dẫn tới việc phát minh ra pin sạc lithium ion có thể sạc được và hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm điện thoại di động, máy tính và xe điện.
Nobel hòa bình có lẽ là giải thưởng được mong chờ nhất. Giải thưởng này sẽ được công bố tại Oslo vào ngày 6/10 tới. Một số người cho rằng, các nỗ lực phi hạt nhân có thể sẽ giành chiến thắng trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng và sự bất ổn của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Henrik Urdal – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo cho rằng, 2 nhân vật chính đã thúc đẩy đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran là Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini sẽ là những người có cơ hội chiến thắng cao nhất.
“Với việc tình hình ở Triều Tiên cũng đang leo thang, việc ủng hộ các sáng kiến để chống lại việc phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân là rất quan trọng”, ông Urdal nhận xét. Năm nay, giải thưởng Nobel sẽ có giá trị là 1,1 triệu USD, nhiều hơn các năm trước. Giải thưởng này sẽ được chia đều nếu có nhiều người cùng được trao giải ở cùng hạng mục.