Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, tổng lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng thị trấn Hương Khê từ 23h ngày 24/9 đến 6h ngày 26/9 là 215mm. Một số cầu tràn qua sông Ngàn Sâu thuộc các xã Hương Trạch, Hương Đô và một số tuyến đường dân sinh đã bị ngập cục bộ.
Mưa lớn cũng khiến tuyến đường giao thông qua bản Rào Tre, xã Hương Liên bị sạt lở. Cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã Hương Liên vào bản Rào Tre đã bị ngập hoàn toàn, có thời điểm ngập sâu khoảng 2m.
|
Nước sông Ngàn Sâu qua xã Hương Liên dâng cao. Ảnh: CTV |
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: Tuyến đường “độc đạo” nối liền trung tâm xã Hương Liên vào bản Rào Tre và một phần địa bàn thôn 1 (giáp ranh với bản Rào Tre) ngập sâu, gây chia cắt vào bản Rào Tre và một phần địa bàn thôn 1. Chính quyền địa phương đã lập các biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực đi vào cầu tràn đang bị ngập sâu, nguy hiểm. Đồng thời, bố trí người trực gác để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.
Ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê thông tin, mưa lớn 2 ngày qua đã khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập cục bộ, hơn 4.300 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện phải nghỉ học. Các trường chủ động cho học sinh nghỉ học theo tình hình thực tế, đồng thời tổ chức dạy bù đảm bảo chương trình. Trong thời gian này, giáo viên sẽ giữ liên lạc, phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong mùa mưa lũ.
|
Chính quyền xã Hương Liên lập rào chắn tại các khu vực đi vào cầu tràn đang bị ngập sâu, nguy hiểm. Ảnh: CTV |
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi công điện khẩn đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa, lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, đặt các biển cấm, biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết.
Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy, hải sản và đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các chòi canh, lồng bè; Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, bố trí lực lượng canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Cấp, ngành chức năng đồng thời hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả có múi, diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.