Đủ kiểu chữa bệnh không giống ai
Gần đây nhất, ngày 19/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa tiếp nhận một bệnh nhi 14 ngày tuổi bị sốt kèm theo bỏng da độ II diện rộng vùng bụng và ngực. Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi, trước đó một ngày khi thấy con chướng bụng, nghe người khác mách bảo theo kinh nghiệm dân gian nên gia đình đã dùng lá trầu không hơ nóng và dán lên bụng và ngực con. Sau đó, thấy con quấy khóc, xuất hiện sốt; da vùng bụng, ngực bị đỏ và phồng rộp nên cho con nhập viện. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân - Phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho biết, đây là một trường hợp tự chữa bệnh ở nhà theo kinh nghiệm dân gian dẫn đến biến chứng.
Trước đó, vào khoảng 13h35’ chiều ngày 16/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa (Lào Cai) cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi là bé Vàng Thành Trung – 12 tháng tuổi (trú tại San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai) trong tình trạng hôn mê, qua khám lâm sàng phát hiện bé bị tiêu chảy cấp, có cơn ngừng thở.
Cháu Trung bị tiêu chảy 1 ngày, có khám ông Lang ở trong bản nói phải đặt thuốc phiện vào hậu môn thì cháu mới khỏi được (!). Theo lời khuyên, vào 11h trưa, bà nội Trung đã đặt vào hậu môn bé thuốc phiện. Sau 15 phút, thấy bé tím tái khắp người, cấu véo không biết gì, nên bà gọi người nhà đưa thẳng đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định nguyên nhân tình trạng tím tái, ngừng thở chính là do các thành phần trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở. Bệnh nhi phải đặt nội khí quản và dùng thuốc kháng để “giải” ngộ độc thuốc phiện.
Tương tự, tại Hà Nội, bà Phùng Thị M, 67 tuổi có tiền sử tiểu đường type 2 vẫn điều trị đều đặn theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, sau khi tham dự sự kiện tư vấn về sức khỏe và nằm giường mát-xa, bà M được tặng một viên đá được quảng cáo là “đá nano” có tác dụng chữa bách bệnh. Từ đau xương khớp (chỉ cần dán vào chỗ đau), viêm họng (ngậm), đái tháo đường (pha vào nước uống)… là khỏi.
Đang điều trị tiểu đường bằng thuốc, bà M, liền bỏ thuốc mà dùng “đá nano” cho đến khi vô tình nuốt phải vì ngậm lúc ngủ, bà M, đã phải đến bệnh viện cấp cứu. Tại Khoa Thăm dò chức năng-nội soi Bệnh viện E, các bác sỹ đã tiến hành nội soi thực quản dạ dày gắp dị vật ra khỏi đường tiêu hóa cho bà M, vì nếu không xử lý sớm dị vật có thể đi sâu vào cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng như thực quản, dạ dày, ruột… Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 do bỏ thuốc nên tình trạng bệnh nặng thêm.
Không nên tự làm bác sĩ
Tại diễn đàn “Chăm sóc sức khỏe hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị” do Hội Y học dự phòng Việt Nam, Viện Pasteur TP HCM và Văn phòng đại diện GSK tại Việt Nam tổ chức vào tháng 6/2019, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian qua ngành y tế tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe từ sớm của người dân. Dù vậy phần lớn người Việt vẫn có thói quen tự chẩn đoán và điều trị với “bác sĩ google”, tự mua thuốc về uống, không tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Theo các chuyên gia y tế, google nói riêng và các trang tìm kiếm nói chung có nhiều thông tin hữu ích cho người bệnh. Tuy nhiên nếu người dân sử dụng những thông tin trên mạng để tự ý ra quyết định điều trị cho mình thì rất nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Bởi lẽ, cùng một triệu chứng chưa hẳn đã là một bệnh, cùng một bệnh lý chưa hẳn đã cùng một phương pháp điều trị, cùng một phương pháp điều trị chưa hẳn đã cho kết quả như nhau.
Hiện nay vẫn có nhiều người dân đang tin tưởng các phương pháp dân gian, chữa bệnh bằng mẹo và có xu hướng chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nhưng các vị thuốc lại không đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ mà hoàn toàn nghe theo miệng người này, người kia để áp dụng cho bản thân. Việc chưa được trang bị kiến thức đông y nhưng lại tự ý bốc thuốc về dùng sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên tin theo quảng cáo, các thông tin chữa bệnh không kiểm chứng trên mạng internet mà hãy tìm đến những cơ sở y tế để thăm khám, điều trị như vậy sẽ an toàn và hiệu quả hơn.