"Mùa vàng rực rỡ” của hoạt động kiểm soát TTHC

(PLO) - Trong năm đầu tiên chuyển sang ngành Tư pháp, mặc dù có những thay đổi về mặt tổ chức nhưng hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã có một “mùa vàng rực rỡ”. Tuy nhiên, giữ vững và phát huy hơn nữa thành quả  đạt được mới thực sự là vấn đề quan trọng bởi khó khăn, thách thức không hề ít, nhất là khi công tác này còn hết sức mới mẻ, kinh nghiệm thực tế lại chưa nhiều.
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được triển khai. (Ảnh minh họa: MH)
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được triển khai. (Ảnh minh họa: MH)
"Lọt” top 10 sự kiện tiêu biểu ngành Tư pháp
Có thể nói, năm 2013 là năm hoàn thiện cơ bản khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát TTHC, khẳng định chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về kiểm soát TTHC, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC trong phạm vi cả nước. 
Theo đó, Chính phủ đã giao chức năng kiểm soát TTHC cho tổ chức Pháp chế trực thuộc Bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 48/2013/NĐ-CP). Tính đến ngày cuối cùng của năm, 63 địa phương, 19/23 Bộ, ngành đã hoàn thành việc chuyển giao cơ cấu, tổ chức và biên chế làm công tác kiểm soát TTHC từ Văn phòng Bộ, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang tổ chức Pháp chế, Sở Tư pháp với 283 biên chế cùng hệ thống cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương.
Dấu ấn đáng nhớ nhất của hoạt động kiểm soát TTHC trong năm qua chính là Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Sự kiện được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tư pháp năm 2013 với sự nhất trí cao. 
Việc Đề án ra đời và triển khai hiệu quả trên thực tế sẽ giúp đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ công dân, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tạo tiền đề để tiến hành đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, thể hiện ở việc áp dụng thống nhất, đồng bộ những tiến bộ công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
Bộ Tư pháp còn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đã soạn thảo Quy chế nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tập trung xây dựng và dự kiến ngay trong những tháng đầu năm 2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền. Đây sẽ là cơ sở pháp lý, là công cụ hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.
“Chung tay cải cách TTHC” với những con số “biết nói”
Thực hiện slogan trên, các Bộ, ngành khác đã “vào cuộc” cùng Bộ, ngành Tư pháp hoàn thành đơn giản hóa 762 TTHC, nâng tổng số TTHC được thực thi đơn giản hóa lên 4.016 TTHC trên tổng số 4.712 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa tại 25 Nghị quyết chuyên đề năm 2010 (tăng 450 TTHC so với cùng kỳ năm 2012), tỷ lệ hoàn thành đạt 85%. 
Các Bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức đánh giá tác động 1.281 TTHC quy định tại 363 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát 1.299 TTHC tại 174 văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 1.054 quyết định công bố và đề nghị công khai 16.545 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tiếp nhận và xử lý được 85% trong tổng số 1.973 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. 
Một số phản ánh, kiến nghị đã có kết quả, được xã hội đánh giá tích cực như phản ánh, kiến nghị về việc thu thập thông tin dân cư của Công an thành phố Hà Nội; phản ánh của ông Hoàng Vi Cao về việc quy định  TTHC liên quan đến cấp giấy khai sinh và việc thực hiện TTHC này tại Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng…
Năm 2013, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có sự tham gia tích cực của đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương, đã hoàn thành đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC thuộc 5 lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm dịch động vật, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Hội đồng còn nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến cải cách trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. 
Bảo đảm tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, tổ chức
Bên cạnh kết quả trên, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức sau một năm chuyển sang ngành Tư pháp bởi đây thực sự là công việc hết sức mới mẻ trong khi lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Không những thế, sức ỳ của bộ máy hành chính còn rất lớn. 
Việc thay đổi thói quen, cách làm cũ của bộ máy hành chính các cấp là một công việc khó khăn, lâu dài. Hơn nữa, cải cách TTHC thường chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan hành chính, đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương nên có thể xuất hiện những “rào cản” trong quá trình thực hiện... 
Nhiệm vụ hàng đầu của ngành Tư pháp là tiếp tục hoàn thiện thể chế cho công tác kiểm soát TTHC, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, phổ biến rộng sáng kiến cải cách TTHC hữu ích trong toàn quốc để bảo đảm tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, tổ chức. 
Cụ thể, sẽ xây dựng, trình Chính phủ Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú/tạm trú - đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế...
Bộ Tư pháp cũng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện công bố, công khai TTHC theo đúng quy định và xác định đây là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; tập trung thực hiện đơn giản hóa 696 TTHC còn lại tại các Nghị quyết của Chính phủ năm 2010 và các TTHC theo phương án đơn giản hóa được rà soát theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động TTHC, việc cho ý kiến, thẩm định TTHC để ngăn chặn ngay từ khâu dự thảo những TTHC không cần thiết, không hợp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp. n

Đọc thêm