Huyền Như tù chung thân, Vietinbank không phải bồi thường

Tòa hôm nay tuyên phạt Huyền Như mức án chung thân, đồng thời bác bỏ quan điểm của nhiều luật sư yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền bị chiếm đoạt.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Quốc Anh/Dân trí
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Quốc Anh/Dân trí
Hơn 8h, Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo được đưa đến tòa. Trong chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, Huyền Như vẻ căng thẳng lầm lũi đi theo các cán bộ dẫn giải vào phòng chờ. Như luôn cúi đầu né ống kính phóng viên. Tuy là ngày cuối năm nhưng sân tòa vẫn khá nhiều người đến dự.
Bản án của TAND TP HCM nêu, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Như đã lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền rồi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Việc VKS truy tố Huyền Như về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức, tòa nhận định là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Như đã đưa ra mức lãi suất huy động cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó liều lĩnh thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để che giấu mức lãi suất ngoài hợp đồng với các đơn vị, cá nhân này. Lợi dụng sơ hở của cán bộ Vietinbank, Như chiếm đoạt số tiền rất lớn của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Theo tòa, dù Như phạm tội khi mang thai và đang nuôi con nhỏ nhưng hành vi đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn... nên cần thiết áp dụng mức án chung thân về tội lừa đảo. Ngoài ra, Như còn bị phạt 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân.
Với vai trò giúp sức đắc lực cho Như, Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) nhận mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tòa, dù Vietinbank Nhà Bè không hề huy động vốn của khách hàng nhưng Tuấn vẫn ký vào các giấy xác nhận để Như dùng đi lừa, chiếm đoạt 80 tỷ đồng của Công ty dầu khí Thái Bình Dương. Ngoài ra, Tuấn còn ra Hà Nội cùng Như đàm phán để huy động 1.600 tỷ đồng số tiền của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên rồi chiếm đoạt...
21 bị cáo khác nhận từ 1 năm tù treo đến 17 năm tù giam.

Về phần trách nhiệm dân sự, tòa bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng hợp đồng tiền gửi với ngân hàng này là thật và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.

Theo tòa, ngay từ đầu, Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của các đơn vị cá nhân nên giả danh nhân viên ngân hàng Vietinbank để giao dịch. Các tổ chức cá nhân này đã bị sập bẫy lãi suất cao do Như đưa ra, khi giao dịch đều thông qua Như mà bỏ qua một số điểm quan trọng như phải tới trụ sở, gặp người có chức năng để xác minh lại thông tin, thậm chí còn giao hồ sơ đánh dấu sẵn của đơn vị mình cho Như tự ý thực hiện theo ý của mình... Từ đó, tòa tuyên buộc Như phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho các bị hại, trong một số trường hợp, các bị cáo khác có trách nhiệm liên đới bồi thường.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị khởi tố, xử lý tiếp 8 cá nhân khác trong việc giúp Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng của VIB. Tòa kiến nghị điều tra xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) trong việc ký các hợp đồng với ACB; bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phương Đông trong việc ký 7 lệch chi khống cho Như chiếm đạt tiền của Phương Đông và kiến nghị xử lý thêm một số người cho vay lãi nặng khác.
Tòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở Vietinbank; đề nghị điều tra xử lý các lãnh đạo khác của ACB và Navibank trong việc cho nhân viên đứng tên các hợp đồng tiền gửi.

Đọc thêm