Mùa Xuân trên đỉnh Tà Chì Nhù

(PLO) - Mùa xuân chạm ngõ, Tà Chì Nhù khoác lên mình màu áo mới. Đó là màu xanh của sự sống với cỏ non xanh tận chân trời, màu trắng bất tận của mây trời, màu vàng màu mỡ phì nhiêu trên đỉnh núi cao 2979m.
Biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù
Biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù

1. Từ trung tâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái), phải qua bản Xà Hồ tìm người dẫn đường. Qua đêm tại đây, chúng tôi kéo được Giằng A Thanh, chàng trai người H’mông, đi cùng. Thanh thông thuộc từng lối mòn, gốc cây, hòn đá lên đỉnh Tà Chì Nhù.  

Bước ra khỏi nhà sàn, trời vẫn còn tối, sương giăng khắp lối, vừa đi Thanh vừa kể về ngọn núi anh đã dành cả tuổi thanh xuân để khám phá. Tà Chì Nhù còn có tên là Phu Song Sung theo cách gọi người Thái, hay Chung Chua Nhà theo cách gọi người Mông, là một trong sáu đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Cái tên Tà Chì Nhù được dùng phổ biến hơn cả. Trong tiếng H’mông, Nhù tức là con trâu, Chì là vết chân. Gộp ba từ lại có nghĩa “Núi Chân Trâu”. Nguyên do người dân nơi đây thường thả rông những con trâu lên núi này cho chúng tự do ăn cỏ, uống nước.  

Sau hơn một tiếng mò mẫm qua những lối mòn, mặt trời bắt đầu lấp ló phía sau ngọn núi, rồi nhô cao dần. Nền trời chuyển sang màu vàng nhạt. Mọi vật bừng tỉnh. Một bên là biển mây, một bên nắng vàng núi rừng. Bức tranh bình minh thức dậy khiến đoàn khách phải dừng chân ngẩn ngơ ít phút, quên cả chặng đường dài phía trước.

Sau hơn ba tiếng vật lộn với con đường mòn độc đạo, bước chân đã đến khu rừng nguyên sinh. Xuyên qua những tán rừng, chúng tôi như lạc vào thế giới khác lạ. Giữa màu xanh thẳm là những chùm hoa đỏ hồng tỏa hương ngào ngạt. Đó là hoa đỗ quyên, loài hoa được mệnh danh “nữ hoàng hoa rừng Tây Bắc”, chỉ mọc và nở đẹp nhất trên những vùng đất khắc nghiệt, hiểm trở, núi non hùng vĩ.

Hết rừng nguyên sinh là đến rừng trúc, rồi tiếp nối lại là một chặng đường leo trên những sườn núi cao gió giật, có đoạn phải ngồi thụp xuống tránh gió thổi bay xuống vực. Tà Chì Nhù rất “sòng phẳng”, mỗi đoạn đường khó khăn lại là khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Hơn 10h chúng tôi mới đến được “đồi ba cây”, chậm hơn so với dự tính hơn một tiếng. “Đồi ba cây” là địa danh dân phượt đặt tên. Trên ngọn đồi toàn sỏi đá ấy chỉ có ba cây đỗ quyên nhỏ bé, bất chấp gió vần vũ bao năm nhưng vẫn tươi xanh phi phàm.

Đường đi hiểm trở trập trùng đồi núi
Đường đi hiểm trở trập trùng đồi núi

2. Quá trưa, tới điểm cao ở giữa hành trình, chặng đường vẫn còn khá dài nhưng ai cũng bắt đầu thấm mệt. Thanh dẫn chúng tôi đến một lán trại nghỉ ngơi ăn trưa.

Chủ lán trại Thào A Thủa, người đàn ông dáng người thấp bé nhưng nghị lực hiếm ai bằng. Khi Tà Chì Nhu còn hoang sơ đến chẳng ai qua lại, anh đã đưa ra quyết định khá tạo bạo: Rời bản làng leo lên Tà Chì Nhù lập nghiệp. 19 năm qua, cái sự “điên” người ta từng nói về anh không còn. Nay anh trở thành người tiên phong làm giàu trên ngọn núi đầy tiềm năng.

Thào A Thủa hồi ức: “Năm 1996 tôi lấy vợ. Nhà đông anh em, canh tác lạc hậu, một năm thiếu ăn vài tháng. Không muốn con cháu mình sống cơ cực, tôi quyết tâm làm kinh tế”. 

Tuy nhiên, làm giàu không dễ. Lứa dê đầu tiên anh nuôi chết sạch do rét đậm rét hại, do nguồn thức ăn và bãi chăn thả hạn chế. Anh nhớ đến Tà Chì Nhù, nơi anh vẫn thường thử thách bản thân trong những chuyến săn bắn, nơi mênh mông những bãi đất màu mỡ. Một người một dao quắm, vừa đi vừa mở đường lên núi, sau hai ngày anh lên đến nơi. 

“Vừa phóng tầm mắt thấy một thảo nguyên rộng lớn, tôi đã thầm nhủ đây sẽ là nơi mang lại cho gia đình tôi một cuộc sống ấm no. Từ khi gắn bó với ngọn núi này, gia đình tôi đã không còn phải lo nghĩ thiếu ăn. Các con được nuôi dưỡng tử tế, học hành đến nơi đến chốn. Đứa nào giờ cũng thành cán bộ dưới huyện rồi”, anh tự hào.

Cuộc chinh phục Tà Chì Nhù ngoạn mục được người địa phương ví von gọi anh là “Thủa khai phá”. Cuộc khai phá của anh đã trở thành một điển hình, truyền cảm hứng cho nhiều người tìm đến Tà Chì Nhù xây dựng kinh tế. Sau 19 năm khởi nghiệp trên vùng đất khó, từ vài con gia súc ban đầu, nay anh Thủa đã có đàn dê hơn 400 con, bò trên 100 con, trâu và ngựa hàng chục con. Tính theo giá thị trường, anh đã trở thành tỷ phú huyện Trạm Tấu từ lâu.

Những đàn gia súc bình yên gặm cỏ trên cao nguyên
Những đàn gia súc bình yên gặm cỏ trên cao nguyên

3. Sau cuộc trò chuyện thú vị với anh Thủa, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục ngọn núi cao phía trước. Mục tiêu phải đến đỉnh tìm chỗ bằng phẳng cắm trại trước khi trời tối.

Cả đoàn leo núi nối đuôi nhau nhấc từng bước chân nặng trĩu, bỗng hiện ra cảnh tượng đàn ngựa hàng chục con đùa giỡn, chạy nhảy khắp sườn núi, nhởn nhơ gặm cỏ. Chốc chốc một vài con ngước lên nhìn đoàn khách đang cheo leo lưng chừng núi. Giữa trời xanh lộng gió mênh mông, ngỡ như lạc vào cuộc sống trên bình nguyên bao la người du mục. 

“Cố lên. Đỉnh đã gần lắm rồi”, người dẫn đường động viên. Khi mặt trời hạ thấp, lơ lửng trên đầu người, những bước chân khao khát khám phá cũng đã tới đỉnh Tà Chì Nhù.  

Sau một đêm ngủ trên ngọn núi cao gần 3000m, chúng tôi thức giấc với cảnh tượng kỳ thú trước mắt. Gió lồng lộng, phía chân trời đỏ ửng, “đại dương” mây bồng bềnh trắng bao quanh những ngọn núi xanh như những ốc đảo. Không gian hùng vĩ. Những vị khách chỉ biết ngẩn ngơ nhìn ngắm, rồi hét lên thật to để nghe tiếng mình vọng ra giữa nơi mặt đất và bầu trời giao thoa.

Hoa đỗ quyên, loài hoa “bà chúa núi rừng Tây Bắc”
Hoa đỗ quyên, loài hoa “bà chúa núi rừng Tây Bắc”
Bình minh hùng vĩ trên ngọn núi cao 2979m
Bình minh hùng vĩ trên ngọn núi cao 2979m