Không tỉnh nào bị “điểm liệt”
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên là năm 2018, có 6 tỉnh vào nhóm công khai “đầy đủ” (Nhóm A, điểm xếp hạng từ 75-100), so với năm 2017 – không có tỉnh nào; có 27 tỉnh công khai “tương đối” (Nhóm B, điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm); 21 tỉnh công khai “chưa đầy đủ” (Nhóm C, điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75). Chỉ có 9 tỉnh thuộc nhóm công khai “ít” (Nhóm D, điểm xếp hạng dưới 25). Khác với năm 2017, kết quả POBI 2018 cho thấy, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0.
“Điều này cho thấy đã có một sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai NS trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn 32 tỉnh, thành nằm dưới mức xếp hạng trung bình. Điều đó cho thấy dù có nỗ lực rõ rệt nhưng vẫn còn khoảng 50% tỉnh, thành cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai, minh bạch NS…”, Viện trưởng VEPR nhận định.
POBI 2018 cũng cho thấy sự khác biệt trong mức độ công khai NS tỉnh giữa các vùng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất - lần lượt là 60.9 và 59.16 điểm, tiếp theo đó là vùng Đông Nam Bộ (54.37 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (50.55 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40.33 điểm. Trung du và miền núi Bắc Bộ (42.9 điểm) và khu vực Tây Nguyên (46.3 điểm).
“Đầu tàu” kinh tế thua xa tỉnh nhỏ!
POBI 2018 cũng cho thấy số lượng các các tài liệu NS được các tỉnh công khai trong năm 2018 đã tăng so với 2017.
Cụ thể, trong số 9 tài liệu NS được tính điểm đánh giá trong khảo sát POBI, “Dự toán NS” được HĐND tỉnh quyết định là tài liệu được công khai nhiều nhất. Có 59 tỉnh (93.6%) đã công khai tài liệu này, tăng thêm 8 tỉnh so với khảo sát POBI 2017 và có 39 tỉnh công khai đúng hạn, 16 tỉnh công bố đầy đủ.
Tuy nhiên, tài liệu có sự thay đổi lớn nhất giữa POBI 2017 và POBI 2018 là “Dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh”. Với kết quả POBI 2018, có 47 tỉnh (73%) có công khai Dự thảo dự toán NS tỉnh trình HĐND cấp tỉnh so với 27 tỉnh năm 2017 (42.9%).
Nhưng chỉ có 29 tỉnh công bố công khai đúng thời gian quy định, 7 tỉnh công bố chậm (từ 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định chính xác thời điểm công bố. Có tới 16 tỉnh, tương đương với 27,0% không công bố công khai hoặc chỉ công khai nội bộ.
Tổng số điểm xếp hạng cho việc công bố tài liệu Dự thảo dự toán NS tỉnh trình HĐND năm 2018 là 12,28 điểm trong tổng số 100 điểm quy đổi POBI 2018, trong đó, hai tỉnh Hậu Giang và Hải Dương đạt điểm tối đa xếp hạng cho tài liệu này.
Theo Viện trưởng VEPR, “Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước” để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán NS của tỉnh, nhưng mục tiêu công khai “Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước” để người dân tham gia ý kiến chưa đạt được vì vẫn còn 27% số tỉnh chưa công khai, hoặc công khai chưa đúng hạn.
“Điều này là dấu hiệu để các tỉnh chủ động công khai hơn nữa và thúc đẩy sự tham gia của người dân thông qua tiếp cận tài liệu NS…”, Viện trưởng VEPR nói.