Mức phạt cao hơn lãi suất mới hạn chế gian lận thuế?

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ quan ngại, nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế... Còn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mức phạt luôn cao hơn mức lãi suất mới đủ tính răn đe.

Hôm qua (20/3), tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012; về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

Phạt nặng sẽ chuyển sang mua chuộc cán bộ?
Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế do Chính phủ trình.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Dự thảo luật phải có các quy định mang tính giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh; tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận, chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt…, nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng thuế,  trốn thuế. 
Cho rằng, với mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là tương đối thấp, do đó một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Về mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị nâng mức phạt lên gấp đôi. Khung mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế đang được áp dụng cũng được ông Hiển đề nghị thu hẹp từ  2- 3 lần để nâng cao hiệu lực quản lý.
Tuy nhiên, với mức phạt như trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ quan ngại: “Nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và để ngăn ngừa việc đó là rất khó”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “mức phạt luôn cao hơn mức lãi suất mới đủ tính răn đe và sẽ không lạc hậu”.
Phải minh bạch trong xóa nợ
Hiện nay, quy định của Luật hiện hành cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi DN bị tuyên bố phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. 
Thực tế, Chính phủ cho rằng phạm vi xoá nợ nêu trên là khá hẹp và chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2007 (thời điểm Luật có hiệu lực thi hành).
Vì thế, Dự thảo Luật bổ sung quy định các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt ngoài các trường hợp quy định mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành và các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này đã quá mười năm, nhưng không có khả năng thu hồi. Chính phủ quy định, tổ chức thực hiện xoá nợ theo quy định.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách thì để bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xóa nợ thì cần quy định cụ thể, chặt chẽ trong Dự thảo luật tiêu chí, điều kiện được xóa nợ theo hướng chỉ xóa nợ cho những khoản nợ mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành bao gồm: kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập, hoạt động và các khoản nợ này đã áp dụng biện pháp thu hồi quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi; Quy định bổ sung cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện cưỡng chế; không nên quy định theo hướng cứ áp dụng cưỡng chế không được thì xóa nợ, dẫn đến tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, thỏa thuận trốn thuế.  
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 Điều của Luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung, bao gồm: nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; về phục vụ mục tiêu cải cách – hiện đại hóa và hội nhập phù hợp thông lệ quốc tế; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Bình An 

Đọc thêm