Phối hợp với các ngân hàng thương mại
Việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện từ năm 2014, với 4 ngân hàng thương mại (NHTM) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Cuối năm 2017 thêm MB. Đây được coi là bước chuyển mạnh mẽ của KBNN trong việc thu, nộp NSNN.
Theo đó, người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách 24/7 tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách còn dưới 5 phút/giao dịch; tốc độ luân chuyển thông tin thu giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan và NHTM gần như tức thời. Việc hiện đại hóa và đa dạng phương thức thu đã giúp giảm thiểu chi phí tổ chức thu ngân sách.
Không dừng lại ở đó, trong những năm gần đây, KBNN tiếp tục phối hợp với các NHTM phát triển và đa dạng hóa các phương thức thu NSNN hiện đại như thu NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của NHTM… Những cải cách này vừa mở rộng thêm không gian và thời gian cho người nộp thuế, vừa giúp KBNN giảm thiểu khối lượng công việc thu NSNN tại KBNN, tạo điều kiện cho KBNN tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát huy những lợi thế trong việc phối hợp thu NSNN với các NHTM, trong những tháng đầu năm 2020, KBNN tiếp tục ký thỏa thuận phối hợp thu NSNN với 4 NHTM là: VPBank, SeaBank, SHB và Techcombank. Đến nay, về cơ bản, thu NSNN đã thực hiện qua các NHTM được KBNN ủy nhiệm thu, trong đó trên 99% số thu được thực hiện theo phương thức điện tử. Số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.
Nhanh chóng hiện thực hóa việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong toàn hệ thống, KBNN đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để trong năm 2022 tiếp tục mở rộng ký kết phối hợp NSNN và thanh toán song phương điện tử với 10 NHTM.
Hình thành thói quen không dùng tiền mặt
Ngày 29/4/2022, KBNN đã ban hành Quyết định 1953/QĐ-KBNN phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong hệ thống KBNN, hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách, người nộp NSNN, các tổ chức và cá nhân khác có giao dịch với KBNN ở khu vực đô thị trong việc thanh toán nói chung và thu, chi NSNN nói riêng bằng các hình thức TTKDTM, từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó là giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành Kho bạc không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của đất nước, của khu vực và thế giới về phát triển các giao dịch TTKDTM.
Để đạt được những mục tiêu này, KBNN đã đề ra những giải pháp nhằm phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực, từ khuôn khổ pháp lý, công nghệ, quy trình nghiệp vụ, an toàn, bảo mật, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công chức và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Trong đó, KBNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách: Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông: hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN để các NHTM có thể truy cập vào cổng trao đổi dữ liệu của KBNN lấy thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sử dụng NSNN; tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của KBNN với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các NHTM...
KBNN sẽ đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM: Tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống NHTM đảm bảo đáp ứng điều kiện để mở tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking...
Định kỳ hàng năm, KBNN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, đặc biệt là địa điểm đặt máy ATM của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo lãnh đạo KBNN, việc đặt mục tiêu TTKDTM chính là hiện thực hóa định hướng phát triển Kho bạc số theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia, sớm hình thành Kho bạc 3 không: không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy.