“Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, phải nắm rõ luật”

(PLO) - “Để phát triển bền vững ngoài chuyên môn, doanh nghiệp phải nắm rõ luật pháp. Không chỉ nắm vững hệ thống pháp luật của quốc gia mà còn cả luật pháp quốc tế” - doanh nhân Trần Dồn khẳng định. 
DN Trần Dồn, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc đẹp Hoàn Vũ; Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Xây dựng Quảng Đà

Xây dựng và mỹ phẩm là hai ngành nghề khác hẳn nhau. Anh có thể chia sẻ về bước “chuyển mình” từ lĩnh vực xây dựng sang làm mỹ phẩm của mình?
 Tôi đến với mỹ phẩm là do tình yêu với vợ. Vợ tôi là giáo viên dạy Toán. Cô ấy rất ít quan tâm đến nhan sắc của mình. Cô ấy chỉ muốn có một cuộc sống độc lập, tự kiếm tiền. Là một doanh nhân, bản thân tôi cũng năng nổ, tham gia nhiều hoạt động, có những lúc tôi muốn có vợ đi cùng nhưng cô ấy thường từ chối vì bận đi dạy. Nhưng khi bước sang tuổi 32, làn da cô ấy bắt đầu xuống cấp nên cảm thấy rất lo lắng và càng không tự tin khi cùng tôi đi dự event doanh nhân.

Biết được điều đó, tôi càng quan tâm đến vợ nhiều hơn. Tôi thường tìm kiếm những loại mỹ phẩm tốt nhất cho vợ dùng, từ những hàng nội đến hàng hiệu nhưng làn da vợ tôi chẳng cải thiện được bao nhiêu. Chính vì thế, tôi đã chủ động tìm đến các bác sĩ da liễu để truy tìm nguyên nhân. Quyết định bước vào con đường sản xuất mỹ phẩm đã đến khi tôi gặp được một “cố nhân” tại xứ Hàn. Tôi cũng không nghĩ từ một người đam mê ngành xây dựng lại bước sang con đường kinh doanh mỹ phẩm. Điều mà tôi vui nhất hiện nay là vợ tôi luôn nở nụ cười, tự tin với làn da của mình và sánh bước cùng tôi trên mọi nẻo đường.

Sau một thời gian gắn bó với cả hai ngành nghề, anh cảm thấy mình hợp với lĩnh vực nào hơn?

Mỗi lĩnh vực đều có đặc thù khác nhau. Với lĩnh vực xây dựng thì nền tảng dựa trên mối quan hệ bền vững và niềm tin cá nhân, khách hàng chúng tôi có được thông qua sự giới thiệu và năng lực doanh nghiệp. Còn mỹ phẩm lại thiên về yếu tố thị trường, trong đó chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi. Và truyền thông là nhân tố quan trọng để đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.

Hai lĩnh vực này khác nhau về phương thức và cách thể hiện. Rất nhiều người thắc mắc là chúng không tương hỗ với nhau, sẽ dẫn đến những khó khăn trong công tác quản trị và điều hành. Với tôi, quản trị hay điều hành doanh nghiệp về cơ bản giống nhau, cùng chung mục tiêu là hiệu quả và tạo giá trị. Khác nhau có chăng là sản phẩm với đối tượng khách hàng và cách thức thể hiện. Cả hai lĩnh vực tôi đều yêu thích và cố gắng hoàn thiện nó, đầu tư tâm trí và sức lực để nó ngày càng phát triển hơn.

Ngoài  mỹ phẩm và xây dựng, trong thời gian tới anh có ý định kinh doanh các ngành nghề khác không?

Cả hai ngành nghề tôi tham gia điều hành trực tiếp, như vậy là quá đủ với tôi rồi, vì để quản lý và điều hành chúng một cách trôi chảy, tôi đã tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, tôi cũng tham gia góp vốn với một số công ty cổ phần với những anh em bạn bè mà tôi đánh giá là tiềm năng. Những lĩnh vực đó, tôi chỉ đứng bên ngoài hỗ trợ, chứ không tham gia điều hành.

"Để phát triển bền vững ngoài chuyên môn thì doanh nghiệp phải nắm rõ luật pháp"

Tham gia cùng lúc trong nhiều lĩnh vực như vậy, anh nghĩ sao trước lời khuyên: Doanh nhân nên tự trang bị cho mình những kiến thức về luật pháp?

Theo tôi, đây là một câu hỏi rất hay! Để phát triển bền vững ngoài chuyên môn thì doanh nghiệp phải nắm rõ luật pháp. Không chỉ nắm vững về hệ thống luật pháp của quốc gia mà còn cả luật pháp quốc tế. Ngày nay, trong xu thế hội nhập, rất nhiều Hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia đòi hỏi doanh nhân phải tìm hiểu và cập nhật kịp thời luật pháp, quy chế, chính sách thay đổi, làm sao đừng để doanh nghiệp của mình bị thua kiện khi không nắm rõ các quy định hay cam kết quốc gia.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, ngoài kiến thức về luật pháp, các doanh nghiệp còn phải có lương tâm và đạo đức do lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nên cần phải nghiêm khắc tuân thủ cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Việc hiểu biết luật pháp theo anh có những lợi ích gì?

Có người cho rằng, pháp luật là sự ép buộc làm hạn chế quyền tự do của mình, tuy nhiên đây là cách hiểu sai lầm vì pháp luật sinh ra nhằm giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo tôi hiểu biết luật pháp có những tác dụng sau: Thứ nhất, giúp doanh nghiệp hoạt động theo khuôn khổ phù hợp với thực tiễn; Thứ hai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân và doanh nghiệp; Thứ ba, nó góp phần tạo nên sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Việc nắm vững kiến thức pháp luật là rất cần thiết cho doanh nghiệp. Với tư cách là người điều hành Công ty, anh đã làm gì để tăng cường, bổ sung kiến thức pháp luật cho bản thân và nhân viên?

Trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp thường gặp rất nhiều rủi ro và thách thức, đòi hỏi họ phải trang bị cho mình quy định của pháp luật, hay những thay đổi của quy chế, chính sách nhằm hạn chế rủi ro và cần phải minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của khách hàng và chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp.

Xác định được sự cần thiết đó, ngoài trang bị kiến thức cho mình, Công ty chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật, về an toàn lao động cho nhân viên và công nhân lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Bởi ai cũng hiểu rằng, chăm lo tốt cho người lao động chính là nghĩa vụ trước pháp luật, là tố chất nhân văn của chủ doanh nghiệp đối với người lao động và là đạo đức kinh doanh, văn hóa - văn minh của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. 

Đọc thêm