Tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần
Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua có điểm gì mới, đáng lưu ý trong việc nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và các khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC) thưa Thứ trưởng?
- Có rất nhiều quy định nhưng một trong những điểm đáng lưu ý là Luật đã quy định sửa đổi điểm đ, khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiên tối đa trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó các hành vi khai thác IUU và đưa ra chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, với mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng. Như vậy mức phạt đã được quy định tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt tiền như quy định hiện hành..
Đây là mức xử phạt cao nhất và là câu trả lời của chúng ta đối với EC. Bởi trước đó họ cho rằng chúng ta chưa có tiến bộ trong Dự thảo luật, chưa chịu tiếp thu khi không đưa chi tiết mức xử phạt vào trong luật. Hệ thống luật pháp, cách thức xây dựng pháp luật của chúng ta khác với Châu âu nên chỉ tiếp thu tối đa những gì mà chúng ta có thể. Và kết quả là chúng ta đưa bổ sung vào Luật việc điều chỉnh Luật xử lý vi phạm hành chính với mức xử phạt cụ thể như vậy.
Còn sau này khi có Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, mới quy định mức cụ thể, chứ bây giờ cũng chưa thể nói được mức như nào chỉ đưa được khung cao nhất cho EC cũng các nước thấy rằng chúng ta đã quyết tâm xử phạt một cách nghiêm minh.
Cái EC muốn nhìn thấy là hành động
Luật thủy sản 2017 phải đến 01/01/2019 mới có hiệu lực, trong khi thời hạn áp dụng thẻ vàng của EC là 6 tháng, vậy trong khoảng thời gian này, Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì để Việt Nam không bị EC phạt thẻ đỏ?
- Đây là sự việc đáng tiếc mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Ngay sau khi EU rút thẻ vàng Bộ NN&PTNT đã chủ trì họp báo công khai sự việc này và cũng đưa ra một số giải pháp. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ và dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt hành động từ 6 tháng đến 1 năm phải thoát ra khỏi thẻ vàng.
Để làm được, Bộ cũng đã trình với Chính phủ một kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống đánh bắt bất hợp pháp không thông báo, không theo quy định đến năm 2025. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng ban hành một kế hoạch hành động (cấp bộ) để thoát ra khỏi thẻ vàng trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Tới đây theo chỉ đạo của Bộ trưởng, sẽ lập một tổ công tác (có thể liên bộ có thể là trong phạm vi bộ nông nghiệp) để có những biện pháp cấp bách giải quyết tận gốc vấn đề mà chúng ta đang gặp phải.
Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các địa phương cũng như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP). VASEP đã phát động chương trình “Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” đã họp và ra chương trình và cam kết rằng không mua và tiêu thụ những hàng đánh bắt bất hợp pháp và hiện nay đang phối hợp với bộ triển khai rất quyết liệt.
Được biết, đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam, phía EU họ có khuyến cáo gì đối với chúng ta để sớm thoát ra khỏi tình trạng thẻ vàng không, thưa Thứ trưởng?
- Hôm 20/11 làm việc với đại sứ, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam chúng tôi cũng đã trình bày lại tất cả những quyết tâm của Chính phủ cũng như của Bộ NN&PTNT, của các địa phương, Hiệp hội, các DN trong việc thoát khỏi thẻ vàng mà EC đang áp dụng.
Tại buổi làm việc, Bộ cũng thông báo rõ là từ khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển các nước đã giảm hẳn. Riêng Quảng Ngãi-địa phương trước đó để xảy ra nhiều vụ vi phạm nhất, thì từ tháng 7 tới bây giờ không ghi nhận thêm trường hợp tàu cá của tỉnh này vi phạm vùng biển của các nước, các quốc đảo. .
Đại sứ, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam cũng ghi nhận và khuyến nghị chúng ta một số hành động. Nhưng nói thật là họ cũng chưa thực sự tin vào những việc mà chúng ta đang làm như sửa luật, nâng khung hình phạt... Cái mà EU quan tâm đó là hành động, kết quả của những hành động thực tiễn.
Tới đây chúng ta phải triển khai để chứng minh cho họ thấy quyết tâm, nỗ lực của phía Việt Nam. Còn những khuyến nghị của họ, Bộ trưởng cũng đã tiếp thu và đã giao cho các đơn vị nghiên cứu. Và các khuyến nghị này, sắp tới khi thông qua chương trình hành động Quốc gia cũng như thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng những hoạt động khác sẽ được cụ thể hóa.
Xin cám ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 01/01/2019
Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017. Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ NN&PTNT là cơ quan soạn thảo, xây dựng và Luật Thủy sản 2017. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến lần 1 về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Ngày 29/10/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Luật Thủy sản năm 2017 gồm 9 chương với 105 Điều. Về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 01 chương (09/10) và tăng 43 Điều so với Luật Thủy sản 2003 (105/62), trong đó có một số thay đổi về kết cấu khi bổ sung 01 Chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam; Bỏ 02 Chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo kỹ thuật soạn thảo theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.