Muốn phát triển phải có chiến lược cạnh tranh

(PLO) - Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô cũng như nền kinh quốc dân khi đóng góp khoảng 40% GDP, tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động…
Thay đổi tư duy, tạo dựng niềm tin, nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử… góp phần đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Thay đổi tư duy, tạo dựng niềm tin, nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử… góp phần đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Dù thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, song thực tiễn khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập…

Đóng góp lớn, sức cạnh tranh vẫn thấp

Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Hà Nội” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Mạc Quốc Anh – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết, năm 2017, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 25.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (tăng 11% so với năm 2016). Vốn đăng ký đạt trên 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), nâng tổng số DN trên địa bàn lên gần 232.000 DN.

Với tỷ lệ khoảng 97% trên tổng số lượng DN, khối DN nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp gần 40% GDP, góp phần tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động và đang có sức phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, đến nay, phần lớn DN vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Khối này cũng thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng phù hợp, khó tiếp cận các nguồn lực phục vụ phát triển. 

Không chỉ vậy, ông Mạc Quốc Anh còn cho biết, DN nhỏ trên địa bàn phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, chưa xác định được khách hàng mục tiêu và chưa có tài sản thế chấp để thuyết phục khách hàng hoặc nhà đầu tư. Vì vậy, bài toán làm thế nào để nâng sức cạnh tranh của khối DN này là câu chuyện đang đặt ra hết sức cấp thiết.

Cần chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Mạc Quốc Anh, DN không nên lơ là và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, phát triển DN theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. DN cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng. Các DN cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các doanh chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở có định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

Ngoài việc tập trung vào những ngành nghề truyền thống, DN nên chuyển hướng sang những lĩnh vực như logistic, văn hóa, giáo dục, giải trí vì thị trường luôn chào đón các DN đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm vượt trội.

Ông Lê Văn Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ ABSoft cho biết, một trong những khó khăn của DN hiện nay là việc kết nối giữa các bộ phận như kế toán, vận chuyển, kho quỹ… vẫn theo cách thủ công như bằng trao đổi trực tiếp, bằng văn bản giấy. Vì thế, tính kết nối yếu, chậm, làm hạn chế hiệu quả công việc. Ông Dũng cho rằng các DN cần nhanh chóng áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo các DN tham gia Diễn đàn, để nâng cao sức cạnh tranh, DN phải nâng cao chất lượng và minh bạch sản phẩm để tạo dựng  niềm tin cho khách hàng; chống hàng giả, hàng nhái… Trung tâm DN Hội nhập và phát triển (IDE) đã đưa ra giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xác thực chống giả đầu tiên tại Việt Nam. Đây là giải pháp đầu tiên tại Việt Nam được cấp bằng sáng chế. 

Chúng ta đang đứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên nhiều thứ phải thay đổi. Giải pháp là nên gắn kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, gắn bán hàng online và offline… Đây là các kênh không thể tách rời được” - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng cho biết.

Chia sẻ những khó khăn của DN, ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội khẳng định, TP Hà Nội đang triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 400.000 DN thành lập mới. Ngoài ra, TP cũng sẽ khởi động Đề án DN khởi nghiệp sáng tạo với sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các DN đã khởi nghiệp thành công.

 “Các cơ quan quản lý sẽ chung tay cùng DN để DN thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, giảm phiền hà, chi phí không cần thiết. Hơn nữa, Trung tâm sẽ tổ chức nhiều hơn những chương trình đào tạo, xúc tiến thương mại… để DN Thủ đô nâng cao năng lực cạnh tranh” - ông Quân nhấn mạnh.

Đọc thêm