Theo AFP, 3 nước nói trên cho biết, các sáng kiến chung sẽ thúc đẩy các nỗ lực hiện có nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà họ đã nhất trí khi thành lập hiệp ước phòng thủ mới vào tháng 9 năm ngoái.
“Chúng tôi ... hôm nay cam kết bắt đầu hợp tác ba bên mới về các năng lực siêu thanh và phản siêu thanh, khả năng tác chiến điện tử, cũng như mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn về đổi mới quốc phòng", Mỹ, Anh và Australia khẳng định trong một tuyên bố chung.
Theo tuyên bố, những sáng kiến nói trên sẽ bổ sung vào những nỗ lực hiện có của 3 nước nhằm tăng cường hợp tác về các khả năng không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các khả năng bổ sung dưới đáy biển.
Vẫn theo tuyên bố, khi việc hợp tác trong những lĩnh vực trên và các năng lực quốc phòng và an ninh quan trọng khác tiến triển, liên minh sẽ tìm kiếm cơ hội để thu hút các đồng minh và đối tác thân thiết khác.
Tên lửa siêu thanh, tương tự tên lửa đạn đạo truyền thống vốn có thể mang vũ khí hạt nhân, có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để tiếp cận mục tiêu, vũ khí siêu thanh bay trên quỹ đạo thấp trong khí quyển, có khả năng tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Điều quan trọng là, tên lửa siêu thanh có thể điều khiển được, khiến nó khó theo dõi và phòng thủ hơn nhiều.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Nga được coi là quốc gia tiên tiến nhất trong lĩnh vực này, trong khi Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển công nghệ này.
Trước đó, CRS từng cho biết, Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đang nghiên cứu về siêu âm thanh và Iran, Israel và Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu cơ bản về công nghệ này.
Mỹ, Anh và Australia đã khởi động hiệp ước an ninh mang tính bước ngoặt của họ vào tháng 9 năm ngoái. Hiệp ước, được gọi là AUKUS, cho phép ba đồng minh chia sẻ các công nghệ tiên tiến.