Theo AP, 7 tháng trước vụ nổ chấn động, giới chức New York đã nhận được tin báo về việc khí gas bốc lên nồng nặc tại một tòa nhà chung cư ở East Village, thuộc quận giàu có Manhattan.
Các công nhân sau khi kiểm tra phát hiện ai đó đã sang chiết bất hợp pháp đường ống dẫn khí gas tại tòa nhà khiến khí gas bị rò rỉ. Vấn đề nhanh chóng được xử lý. Tuy nhiên, 7 tháng sau, nhà chức trách tình nghi một nhóm sang chiết trộm gas trái phép khác đã gây ra vụ nổ tại cùng tòa nhà khiến 2 người thiệt mạng, gần 20 người bị thương và san bằng 3 tòa nhà cao tầng.
Mặc dù nhà chức trách chưa thông báo nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ nổ mới đây nhưng vụ việc đã cho thấy rõ vấn đề đã tồn tại từ lâu và tiềm ẩn những hậu quả chết người: nhiều đối tượng đang lén khoan các đường ống dẫn để tiết kiệm tiền bằng cách bòn rút khí gas.
Hiện nay, tại Mỹ vẫn chưa có nhiều thống kê về tình trạng rút trái phép khí đốt. Tuy nhiên, một số người hoạt động trong lĩnh vực này cho biết tai họa này đã trở nên rất phổ biến trên cả nước.
“Đó là một vấn đề xảy ra khá thường xuyên. Việc này cũng giống như tình trạng trộm cắp trong Wal-Mart nhưng nguy hiểm hơn nhiều” - ông Mark McDonald, một chuyên gia tại công ty tư vấn về khí đốt NatGas có trụ sở tại Boston cho biết.
Các thống kê liên bang của Mỹ cho thấy, kể từ năm 2010 đến nay, tại nước này đã có 11 vụ tai nạn liên quan đến đường ống khí đốt là kết quả của việc cố ý gây thiệt hại, trong đó bao gồm hành vi ăn cắp hay cố ý phá hoại.
Tuy nhiên, dữ liệu thống kê thường chỉ bao gồm các vụ việc lớn và không bao gồm các vụ việc liên quan đến những đường ống dẫn khí nhỏ chạy từ đồng hồ đến nơi tiêu thụ được đặt bên trong các tòa nhà. Các công ty gas vẫn thường thống kê tổn thất của họ dựa trên các chỉ số tính toán nhưng thường liệt kê lượng thâm hụt này vào mục khí gas bị rò rỉ hay mất mát trong quá trình truyền tải.
Cho đến nay, nhiều vụ việc sang chiết gas trái phép được cho là nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ, hỏa hoạn, chết người có thể kể đến như vụ cháy một ngôi nhà ở Detroit hồi năm 2010 khiến 3 trẻ thiệt mạng, hay vụ nổ một ngôi nhà cũng ở Detroit hồi năm 2008 khiến 5 người phải nhập viện do bị thương nặng.
Lâu hơn nữa, năm 1991, 3 người đã thiệt mạng và 31 người ở trong 2 tòa nhà chung cư ở Brooklyn đã bị thương sau một vụ nổ dữ dội được cho là do việc lắp đặt trái phép đường ống dẫn gas.
Ông McDonald ước tính, trong suốt 25 năm làm công nhân gas ở khu vực Boston, ông hoặc các đồng nghiệp trung bình cứ một tuần lại phát hiện một vụ lắp đặt đường ống gas trái phép. Một số vụ việc hệ thống lắp đặt rất đơn giản nhưng trong nhiều trường hợp, thủ phạm đã thiết lập các đường ống ngầm rất tinh vi, được đào sâu để kết nối với đường cung cấp khí gas chính.
Các chuyên gia nói rằng việc dựng lên các đường ống dẫn khí đốt không chuyên nghiệp là vô cùng nguy hiểm. Bởi chỉ một tia lửa điện đơn giản cũng có thể khiến một vụ rò rỉ khí gas từ đường ống được lắp đặt chưa đúng chuẩn thành môt vụ nổ nếu mức độ tập trung khí gas đạt từ 5 đến 15% không khí tại một không gian nhất định.
Các nhà cung cấp khí đốt có thể phát hiện các đường ống lấy gas lậu bằng cách lần ra những điểm rò rỉ từ nguồn gas của họ, tiến hành kiểm tra định kỳ hay giám sát các hóa đơn sụt giảm đột ngột. Nhưng việc bòn rút trái phép vẫn là một thách thức đối với việc phát hiện.
Một số người ăn cắp gas từ đường ống dẫn của các công ty ở gần điểm đến người tiêu dùng. Một số người khác, đặc biệt là những người sống trong các tòa nhà chung cư và các khu đô thị khác, ăn cắp từ đường ống của hàng xóm.
Trong các vụ việc này, các công ty cung ứng thường tìm đến các biện pháp dân sự hơn là truy tố hình sự để thu hồi tổn thất từ hành vi trộm cắp gas. Trong bối cảnh này, Thị trưởng New York De Blasio mới đây cho biết ông không loại trừ khả năng thay đổi chính sách và đưa ra các hình phạt nặng hơn đối với những đối tượng trộm cắp khí gas.
Tuy nhiên, quyết định về việc này hiện vẫn đang được để ngỏ chờ kết quả cuộc điều tra về vụ nổ ở Manhattan./.