Theo Reuters, thông tin về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được Chỉ huy của nước này ở Thái Bình Dương cho biết trong một tuyên bố. “Những hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên, trong đó có vụ phóng nhiều tên lửa ngày 6/3 chỉ càng khẳng định sự đúng đắn trong quyết định của liên quân về triển khai THAAD tại Hàn Quốc” – Đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, nhấn mạnh. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết việc triển khai THAAD có thể hoàn thành trong 1 hoặc 2 tháng tới.
Tuyên bố của quân đội Mỹ được đưa ra gần như cùng lúc với thông tin từ truyền thông nhà nước Triều Tiên, theo đó cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng 4 tên lửa hôm 6/3. Vẫn theo hãng tin Triều Tiên KCNA, vụ phóng tên lửa ngày 6/3 là để thực hành cho việc tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Mỹ và Nhật Bản đã đề nghị triệu tập một cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (8/3). Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/3 cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về vụ việc. “Nhật Bản và Mỹ xác nhận rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rõ ràng vi phạm các nghị quyết của LHQ và là một hành động khiêu khích cộng đồng quốc tế và khu vực” – ông Abe phát biểu sau cuộc điện đàm và cho biết Tổng thống Mỹ đã nói với ông rằng Mỹ ủng hộ Nhật Bản 100% sau vụ việc.
Việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc đã dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa hơn 20 cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte tại Hàn Quốc, được cho là để trả đũa việc tập đoàn này đã ký thỏa thuận đổi đất với quân đội để tạo điều kiện cho việc lắp đặt THAAD. Tổng thống Mỹ Trump ngày 7/3 cũng đã có cuộc điện đàm với quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn để bàn về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, văn phòng ông Hwang cho biết.
Theo Yonhap, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ngày 7/3 nói rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể được tiến hành nhằm hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi vụ công dân Triều Tiên bị sát hại tại Malaysia hôm đầu tháng 2 vừa qua. “Triều Tiên có thể muốn hướng sự chú ý của thế giới khỏi tình thế bất lợi với nước này liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong Nam, đồng thời cũng là để thử chính sách đối ngoại của ông Trump với Triều Tiên và liên minh quân sự Mỹ - Hàn” – ông Hwang nói trong một cuộc họp nội các Hàn Quốc. Phía Triều Tiên trước đó bác bỏ thông tin công dân nước này bị sát hại tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2 là ông Kim Jong Nam – anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Bình Nhưỡng cũng bác bỏ có liên quan đến vụ việc đang khiến quan hệ ngoại giao giữa nước này với Malaysia leo thang trong những ngày qua. Trong những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình, Triều Tiên và Malaysia đã trục xuất đại sứ của nước đối tác khỏi nước mình, đồng thời cũng áp dụng biện pháp “ăn miếng trả miếng” khi lần lượt ban hành lệnh cấm công dân rời khỏi nước họ.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 7/3 đã kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức thả tất cả các công dân của nước này ở Triều Tiên về nước để tránh khiến tình hình leo thang hơn. “Hành động đáng ghê tởm là giữ công dân của chúng tôi làm con tin hoàn toàn bất tuân cả luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao” – ông Najib nhấn mạnh và cho biết ông đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia để bàn về tình hình. Thủ tướng Malaysia cũng tuyên bố Malaysia sẽ không do dự tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết nếu công dân của nước này bị đe dọa.