Theo New York Times, trước đó, hồi giữa tháng 6 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua phiên bản đầu tiên của dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và việc sáp nhập Crimea với tỉ lệ 97/2 nhưng dự luật sau đó chưa vượt qua được “ải” Hạ viện. Đến nay, sau khi chỉnh sửa, dự luật đã bổ sung các biện pháp trừng phạt với Iran và Triều Tiên. AFP cho biết, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ phê chuẩn dự luật này sau khi các nghị sỹ đạt được đồng thuận hồi cuối tuần trước. Việc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong hôm nay (25/7).
Ban đầu, ông Trump phản đối dự luật có thể ngăn ông đơn phương nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moscow trong tương lai này. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà làm luật ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gần như hoàn toàn đồng thuận về dự luật, Nhà Trắng đã chấp nhận nhún nhường.
“Chúng tôi ủng hộ dự luật và sẽ tiếp tục hợp tác với Thượng viện và Hạ viện để áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc lên Nga cho đến khi tình hình ở Ukraine được xử trí hoàn toàn”, Thư ký báo chí mới của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói và cho rằng dự luật hiện thời sau khi được chỉnh sửa đã tương đối ổn.
Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci lưu ý việc có ký để dự luật trở thành luật hay không vẫn là quyền của ông Trump. “Tôi đoán rằng ông ấy sẽ sớm đưa ra quyết định”, ông Scaramucci nói với CNN. Song, dù ông Trump có phản đối dự luật thì Quốc hội Mỹ vẫn có thể lật ngược quyết định của ông nếu nhận được sự ủng hộ của 2/3 các nghị sỹ trong cả 2 viện.
“Nếu ông ấy phủ quyết dự luật, chúng tôi sẽ đảo ngược việc phủ quyết của ông ấy”, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Ben Cardin tuyên bố. Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu lại đối với phiên bản mới của dự luật, dự kiến trước tháng 8 tới.
Theo New York Times, nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát ở cả 2 viện, áp đặt ý chí lên ông Trump về một vấn đề chính sách lớn. Ngoài ra, dự luật cũng có thể đưa đến những hậu quả lâu dài trong quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như với quyền lực của tổng thống. Bởi, khi các biện pháp trừng phạt được ký thành luật, việc dỡ bỏ sẽ khó khăn hơn nhiều, kể cả trong trường hợp bối cảnh thực tế đã đặt ra nhu cầu cần phải thay đổi các biện pháp trừng phạt đó.
Đây cũng chính là một trong các lý do mà những nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu phản đối dự luật và các tổng thổng thống Mỹ ở cả 2 đảng từ lâu luôn tìm cách ngăn cản việc Quốc hội áp đặt ý chí vào quá trình quyết định chính sách đối ngoại của tổng thống thông qua các biện pháp trừng phạt bắt buộc.