Tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức thông báo ban hành quy định mới về phòng vệ thương mại. Theo đó, DOC đã sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định hiện hành như luật hóa các thủ tục và phương pháp đang áp dụng trên thực tế. Đồng thời xây dựng hoặc sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến một số vấn đề bao gồm: Thu tiền đặt cọc, việc lựa chọn quốc gia thay thế; thời hạn nộp thông tin thực tế mới; thuế suất riêng rẽ; lựa chọn các bị đơn để điều tra; áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có; các khoản trợ cấp và một số sửa đổi khác.
Cụ thể, về quy định về thu tiền đặt cọc, quy định mới xác định rõ khi nào áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị (per-unit basis) thay vì theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị nhập khẩu (ad valorem). Trong một số trường hợp, DOC có thể yêu cầu tính theo đơn vị nếu không có đủ thông tin để tính theo phương pháp ad valorem hoặc việc áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị phản ánh chính xác hơn thực tế giao dịch.
Một thay đổi đáng kể khác là cách lựa chọn quốc gia thay thế trong các vụ điều tra chống bán phá giá đối với các nền kinh tế phi thị trường. DOC sẽ chuyển sang sử dụng GDP thay vì cả GDP và GNI như trước đây để xác định các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế tương đương. Danh sách quốc gia thay thế cho Việt Nam sẽ được cập nhật hàng năm.
Bên cạnh đó, DOC sẽ xem xét các quốc gia là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra. Nếu có hơn một quốc gia đáp ứng tiêu chí này, DOC sẽ xem xét thêm các yếu tố như khả năng tiếp cận dữ liệu, chất lượng dữ liệu và sự tương đồng của sản phẩm sản xuất.
Về thời hạn nộp thông tin thực tế mới, quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin chặt chẽ hơn, với thời gian nộp tài liệu chống bán phá giá rút ngắn xuống còn 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ, trong khi với các vụ chống trợ cấp là 45 ngày (thay vì 30 ngày như trước đây). Điều này đặt ra áp lực lớn hơn đối với doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ và tài liệu liên quan.
Một trong những quy định quan trọng là tiêu chí đánh giá thuế suất riêng rẽ đối với các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế phi thị trường. DOC đã bổ sung những tiêu chí khắt khe hơn về quyền sở hữu nhà nước. Theo đó, nếu nhà nước sở hữu trên 50% cổ phần hoặc có quyền kiểm soát, doanh nghiệp đó sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ. Ngay cả khi sở hữu dưới 50%, nếu doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của nhà nước thông qua các quyền phủ quyết, bổ nhiệm nhân sự, hoặc điều lệ quy định quyền kiểm soát của chính phủ, thì doanh nghiệp đó cũng có thể bị từ chối thuế suất riêng rẽ.
DOC cũng bổ sung quy định xác định phạm vi áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ nước thứ ba, nếu doanh nghiệp có trụ sở tại nước thứ ba nhưng vẫn bị kiểm soát bởi chính phủ nền kinh tế phi thị trường, doanh nghiệp đó có thể bị áp mức thuế suất toàn quốc.
Quy định mới cũng thay đổi cách lựa chọn bị đơn trong các vụ điều tra. DOC sẽ chọn số lượng hợp lý bị đơn bắt buộc dựa trên những nhà xuất khẩu lớn nhất để đại diện cho nhóm doanh nghiệp khác. DOC có thể hủy bỏ việc chọn một bị đơn bắt buộc nếu bị đơn và nguyên đơn đồng ý miễn trừ trong vòng 5 ngày sau khi chọn.
Ngoài ra, DOC cũng luật hóa phương pháp áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có, cho phép sử dụng dữ liệu từ các vụ việc tương tự trước đây nếu doanh nghiệp hoặc chính phủ nước xuất khẩu không hợp tác đầy đủ. Thậm chí, DOC có thể sử dụng mức biên độ trợ cấp và bán phá giá cao nhất mà không cần phải chứng minh mức thuế này phản ánh thực tế thương mại.
DOC cũng bổ sung nhiều quy định liên quan đến trợ cấp, chẳng hạn như: xác định trợ cấp thông qua việc chính phủ mua hàng với giá cao hơn giá trị thị trường thực tế, hoặc việc miễn thuế nhập khẩu có mang lại lợi ích không chính đáng cho doanh nghiệp xuất khẩu hay không. Nếu doanh nghiệp nhận trợ cấp từ chính phủ thông qua việc miễn giảm thuế trực thu hoặc gián thu, DOC sẽ coi đây là một khoản trợ cấp xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp nhận trợ cấp là công ty cổ phần, khoản trợ cấp sẽ được phân bổ theo doanh thu hợp nhất của công ty mẹ và các công ty con.
Trước những sửa đổi này, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu kỹ quy định mới, để tránh bị áp mức thuế bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường này.