Cuộc đàm phán diễn ra sau khi Mỹ và Canada hồi tuần trước đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do và 2 bên có thể sẽ ký một thỏa thuận NAFTA 2.0 sớm nhất là vào ngày 30/11 tới. Hồi tuần trước, giới chức Mỹ và Canada cũng đã tiến hành cuộc họp nhằm thảo luận về việc viết lại thỏa thuận thương mại đã được thực thi suốt 25 năm qua. Ban đầu, các bên đều lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận mới. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đe dọa sẽ gạt Canada ra bên lề và ký thỏa thuận song phương với Mexico đã khiến Ottawa tức giận. Cuộc đàm phán giữa 2 nước vì vậy đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada lần này sẽ diễn ra tại Washington. Đứng đầu phái đoàn Canada là Ngoại trưởng Chrystia Freeland còn đoàn đàm phán Mỹ do Đại diện thương mại Robert Lighthizer làm Trưởng đoàn. Sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận về các quy tắc mới đối với hoạt động buôn bán ô tô và các quy định mới bảo vệ chặt chẽ hơn cho các công nhân và sở hữu trí tuệ, các cuộc đàm phán với Canada sẽ tập trung vào các cơ chế được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa các đối tác và ngành sữa vốn do Ottawa chiếm thị phần chi phối.
Trước khi bước vào vòng đàm phán mới, giới chức 2 bên đều khẳng định đã đạt được các tiến triển trong đàm phán hồi tuần trước. Song, ông Trump cuối tuần qua tiếp tục có những phát biểu có thể khiến giới chức Canada phật ý. “Không có sự cần thiết về chính trị để giữ Canada trong thỏa thuận NAFTA mới. Nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận công bằng cho nước Mỹ thì chúng ta sẽ để Canada ra ngoài. Quốc hội không nên can thiệp vào những cuộc đàm phán đó hoặc tôi sẽ đơn giản là hủy bỏ toàn bộ NAFTA”, ông Trump tuyên bố.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 4/9 nhấn mạnh rằng việc không có NAFTA còn tốt hơn là việc Canada ký một thỏa thuận tồi. Thủ tướng Canada cũng khẳng định sẽ vẫn bảo lưu cơ chế giải quyết tranh chấp ở Chương 19, theo đó cho phép thành lập các ủy ban liên quốc gia để giải quyết những bất đồng. “Chúng tôi sẽ kiên định giữ yêu cầu đó. Chúng tôi sẽ không ký một thỏa thuận tồi với người Canada và thẳng thắn mà nói, việc không có Chương 19 để đảm bảo rằng các quy định sẽ được tuân thủ sẽ là một điều tồi tệ với người Canada”, ông Trudeau nói. Đây chính là cơ chế được Canada sử dụng để chống lại việc Mỹ áp các loại thuế chống bán phá giá với hàng hóa của nước này.
Nhà Trắng hôm 31/8 vừa qua đã thông báo với Quốc hội nước này về ý định ký một thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada – nếu Canada sẵn sàng làm vậy – trong vòng 90 ngày kể từ ngày 31/8. Như vậy, Chính phủ Mỹ sẽ có thời gian đến ngày 30/9 để trình toàn văn thỏa thuận mới lên Quốc hội. Quãng thời gian từ nay đến cuối tháng 9 sẽ là khoảng thời gian để Ottawa và Washington đàm phán để dẹp bỏ những khác biệt còn lại. Giới doanh nghiệp Mỹ mạnh mẽ ủng hộ NAFTA vẫn là một thỏa thuận 3 bên.
“Nếu không phải là một thỏa thuận 3 bên thì sẽ không được Quốc hội thông qua và không nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp”, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue cảnh báo. Giới chức Mexico hiện cũng nhấn mạnh rằng họ vẫn tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận mà trong đó Canada là một bên tham gia.