Mỹ cảnh báo bệnh 'nai xác sống' nguy cơ lây sang người

(PLVN) - CDC lưu ý rằng nếu khỉ ăn thịt hoặc tiếp xúc với dịch từ động vật nhiễm bệnh "nai xác sống", chúng có thể mắc bệnh. Điều này dẫn đến lo ngại về nguy cơ đối với con người.
Mỹ cảnh báo nguy cơ bệnh 'nai xác sống' có thể lây nhiễm sang người.

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo về bệnh suy mòn mãn tính (CWD), thường được gọi là "nai xác sống", sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Công viên quốc gia Yellowstone. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã xác nhận ca nhiễm CWD trên một con hươu la dựa vào kết quả xét nghiệm từ tháng 11.

CWD là bệnh gây rối loạn thoái hóa não tiến triển ở hươu, nai, và các loài tương tự, không thể điều trị hay phòng ngừa bằng vaccine. Được mô tả như "nai xác sống," các động vật nhiễm bệnh thường xuất hiện sụt cân, đi đứng loạng choạng và biểu hiện rối loạn thần kinh.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về khả năng CWD lây từ động vật sang người, tương tự như dịch bệnh bò điên từng xảy ra. Mặc dù chưa có trường hợp lây nhiễm sang người được ghi nhận, nhưng nghiên cứu trên linh trưởng cho thấy rủi ro tiềm tàng. CDC lưu ý rằng nếu khỉ ăn thịt hoặc tiếp xúc với dịch từ động vật nhiễm CWD, chúng có thể mắc bệnh. Điều này dẫn đến lo ngại về nguy cơ đối với con người.

Việc loại bỏ mầm bệnh trong môi trường được chứng minh là rất khó khăn, với mầm bệnh có thể tồn tại nhiều năm trên đất hoặc các bề mặt. Khử mầm bệnh bằng các biện pháp thông thường như chất khử trùng, bức xạ, hoặc đốt cháy ở nhiệt độ cao cũng không hiệu quả.

Tổ chức liên minh vì đời sống hoang dã công cộng ước tính con người đã ăn thịt từ 7.000 đến 15.000 động vật nhiễm CWD trong năm 2017 tại Mỹ, và số lượng này dự kiến tăng 20% mỗi năm.