Theo AFP, trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã thông tin ban đầu về chủ trương “gây áp lực tối đa” trong quá trình thực hiện chính sách với Iran và Triều Tiên. Một năm sau đó, Tổng thống Mỹ từ việc chỉ trích Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chuyển sang ca ngợi ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào tháng 6 vừa qua, 2 bên dự kiến sẽ sớm công bố thời điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa 2 nhà lãnh đạo.
Theo một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu, Chính phủ của ông Trump hiện tin rằng phong cách đàm phán cứng rắn của họ, cùng với việc thực hiện chương trình trừng phạt quy mô lớn, đã buộc giới lãnh đạo của Triều Tiên phải thay đổi hướng đi. Vẫn theo nhà ngoại giao này, với nhận định như vậy, Chính phủ Mỹ cũng đang có kế hoạch áp dụng cách thức tương tự với Iran, tức áp đặt các biện pháp mạnh mẽ sau đó tiến hành đàm phán với lập trường mạnh mẽ.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hồi tháng 5 vừa qua, ông Trump đã thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và các cường quốc châu Âu đã làm trung gian đạt được với Iran vào năm 2015. Thỏa thuận này cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy những hạn chế trong chương trình hạt nhân của Tehran. Với việc nền kinh tế Iran đang có những dấu hiệu chững lại, Chính phủ Mỹ được cho là đang hy vọng Iran sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán để đảm bảo sự phát triển kinh tế.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 24/9 (giờ Mỹ), Liên minh Châu Âu (EU) và Iran đã có cuộc họp cấp cao tại LHQ với các thành viên khác của thỏa thuận hạt nhân. Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, các nước khẳng định quyết tâm “bảo vệ tự do của các doanh nghiệp trong việc theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran”. Trong đó, EU cho biết các nước thành viên của khối sẽ lập một hệ thống thanh toán nhằm cho phép các công ty dầu khí và các doanh nghiệp khác tiếp tục giao thương với Iran, đồng thời tránh được các lệnh trừng phạt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
“Các nước thành viên EU sẽ lập một pháp nhân để tạo cơ sở cho các giao dịch tài chính hợp pháp với Iran. Điều này sẽ cho phép các công ty của châu Âu tiếp tục hoạt động giao thương với Iran phù hợp với luật của EU và có thể mở cửa cho các đối tác khác trên thế giới”, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho hay. Theo đại diện của EU và Iran, các nước vẫn đang bàn về các chi tiết kỹ thuật liên quan đến kế hoạch này. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì cho rằng nếu chỉ thực hiện chiến lược gây áp lực tối đa của Mỹ với Iran sẽ không hiệu quả, thậm chí còn có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.