Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Nhà Trắng đang xem xét việc công bố đoạn băng ghi lại cảnh mai táng trùm khủng bố Osama Bin Laden để xóa tan những nghi ngờ liệu Mỹ có thực sự tiêu diệt được ông trùm từng bị truy nã gắt gao nhất thế giới hay không.
Sau khi Mỹ đưa ra những bức ảnh chứng minh trùm khủng bố Bin Laden đã chết, tờ Guardian của Anh đưa ra nhận định, bức ảnh "xác bin Laden" được ghép từ ảnh của xác chết của một người đàn ông Arập đăng trên trang Medialine.org hôm 29/4/2009, với tấm ảnh trùm khủng bố do hãng Reuters thực hiện năm 1998. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada cũng vẫn chưa đưa ra xác nhận nào về việc thủ lĩnh của mình đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt. Những nghi ngờ liệu đây có thực sự là Osama bin Laden lại càng được tăng lên khi Mỹ đột ngột tuyên bố đã mai táng ông trùm ngoài biển.
Theo thông báo, thi thể Bin Laden đã được mang lên boong chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và được táng ở biển Bắc Ả rập. Hai quan chức của Bộ Quốc phòng cho biết, việc chôn cất đã được ghi hình lại và có thể đoạn băng này sẽ được tiết lộ trong một thời gian ngắn tới đây. Hai vị này cũng cho biết thêm, những bức ảnh chụp thi thể của ông trùm trước khi được thả xuống vùng biển ngoài khơi bắc Biển Ảrập cũng có thể sẽ được công bố.
Ông John Brennan – cố vấn chống khủng bố cao cấp nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Nhà Trắng vẫn đang cân nhắc việc công bố những tư liệu này và khẳng định việc công bố sẽ thỏa mãn sự nghi ngờ về việc liệu thi thể của người bị các đặc vụ Mỹ tiêu diệt có đúng là bin Laden hay không.
Tiết lộ này được đưa ra trong bối cảnh quyết định táng Bin Laden ngoài biển làm dấy lên những thắc mắc của các nhà lý luận, những người muốn biết tại sao thi thể của Bin Laden không được bảo quản và trưng bày cho công chúng được biết nhằm chứng thực việc Mỹ đã giết được Bin Laden.
Trong khi đó, một số giáo sĩ lại cho rằng quyết định của Mỹ là xỉ nhục đạo Hồi và lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ để phản đối cách mà chính quyền nước này “đối xử” với thi thể của nhà lãnh đạo.
Theo đạo Hồi, việc táng ở biển như kiểu Bin Laden có thể được thực hiện nếu một người chết khi đang đi trên biển và ở quá xa đất liền khiến không thể đem chôn như bình thường. Tuy nhiên, Bin Laden chết trên mặt đất, thì thi thể nhân vật này nên được chôn ở đất và đầu hướng về Mecca, các giáo sĩ cho hay.
Quyết định mai táng Bin Laden ngoài biển, theo một quan chức của Mỹ, được đưa ra sau khi Ả rập Xê út từ chối nhận xác của ông trùm, vốn chào đời ở nước này, để chôn cất và Nhà Trắng cũng hiểu rõ rằng sẽ khó tìm được một quốc gia nào sẵn sàng đón nhận thi thể của tên này.
Nguy cơ tấn công khủng bố hậu Bin Laden?
Trong một diễn biến ít liên quan, cảnh sát Anh ngày 3/5 cho biết vừa bắt giữ 5 người đàn ông tại nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Sellafield ở phía Tây Bắc nước này theo đạo luật Chống khủng bố.
Theo tin từ hãng tin NBC, 5 người đàn ông này đang tạm trú tại London và đều là người Nam Á. Các đối tượng bị bắt vì có nhiều biểu hiện “đáng ngờ”, có dấu hiệu của việc tổ chức các hoạt động khủng bố tại khu vực nhà máy Sellafield. Hiện cả 5 đối tượng đang bị tạm giam tại Sở Cảnh sát Manchester để điều tra tuy nhiên, các điều tra viên vẫn chưa phát hiện sự liên quan trong hoạt động của 5 đối tượng này với những sự kiện gần đây ở Pakistan.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã cho biết, nước này cần phải đặc biệt cảnh giác với các hoạt động khủng bố trong những tuần tới sau cái chết của Osama bin Laden.
Ngoài ông Cameron, nhiều vị lãnh đạo thế giới cũng đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố trả đũa sau khi Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt ở Pakistan trong một cái kết ấn tượng cho cuộc truy tìm lâu nay thủ lĩnh số 1 của al-Qaeda.
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo du lịch trên khắp thế giới, khuyến cáo các công dân Mỹ ở nước ngoài cẩn thận vì có cơ nguy tình trạng bạo động chống Mỹ sẽ gia tăng tiếp theo sau việc hạ sát Bin Laden.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gọi việc Mỹ tiêu diệt Bin Laden là một hành động phi thường chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng ông cũng cảnh báo điều này không báo hiệu sự cáo chung của al-Qaeda.
Tại Palestine, tổ chức Hồi giáo Hamas đã lớn tiếng lên án sự kiện này và gọi Bin Laden là một “chiến sĩ thần thánh Ảrập”, báo hiệu nguy cơ của những cuộc tấn công trả thù của những phần tử khủng bố trên khắp thế giới.
Uy tín của Bin Laden hạ thấp trước khi bị giết
Trong khi đó, Trung tâm Khảo sát Pew, Mỹ, mới đây công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, mức độ ủng hộ của Bin Laden tại các nước Hồi giáo đã giảm đáng kể trong những tháng trước khi ông trùm khét tiếng bị đặc vụ Mỹ tiêu diệt.
Khảo sát được Pew tiến hành đối với nhiều tại 6 nước theo đạo Hồi vào cuối tháng Ba đầu tháng Tư vừa qua. Theo kết quả thu thập được, mức độ ủng hộ đối với Bin Laden của những người theo đạo Hồi đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Cụ thể, lãnh đạo của al Qaeda chiếm được lòng tin của 34% người Hồi giáo tại Palestine (năm 2003 con số này là 72%), 26% người Indonexia ủng hộ ông trùm (năm 2003 là 59%), còn ở các nước Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Leban con số này lần lượt là 22%, 13%, 3% và 1%.
Việc công bố thông tin này cho thấy, trong những năm gần đây, ngày càng có ít người đặt niềm tin vào ông trùm, đáng chú ý như Leban, chỉ có 1% số người được hỏi tỏ ra ủng hộ trùm khủng bố trong khi năm 2003 con số này là gần 20%. Đặc biệt, tại Indonesia, là nước có người Hồi giáo đông nhất thế giới, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc hành quân của Mỹ giết chết Osama bin Laden và rằng đây là một việc tốt cho cả thế giới vì nhân vật này là một phần tử khủng bố.
Hà Dung (tổng hợp)