Ông Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ trao quyền để hoàn tất đàm phán TPP

(PLO) - Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Thông điệp liên bang được phát đi ngày 20/1 yêu cầu Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền để thúc đẩy đàm phán về các thỏa thuận thương mại quy mô lớn với các đối tác của Mỹ ở châu Á và châu Âu. 
Tổng thống Mỹ Obama đọc bản Thông điệp liên bang. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Obama đọc bản Thông điệp liên bang.
 Ảnh: AFP
Nước Mỹ đang sang 
trang mới
Bản Thông điệp liên bang lần thứ 6 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama được phát đi trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát cả 2 Viện. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, Tổng thống Mỹ vẫn giữ được thái độ chủ động trong việc nêu ra các đề xuất chính sách của Mỹ trong thời gian tới.
Mở đầu bài diễn văn, ông Obama cho rằng, bóng đen khủng hoảng tại Mỹ đã đi qua.
“Ðêm nay chúng ta lật qua trang mới” — Tổng thống Mỹ tuyên bố trước khi ca ngợi thực trạng tốt đẹp hiện tại ở nước này: nền kinh tế đang phát triển; thâm hụt ngân sách đang giảm xuống; mức thất nghiệp thấp hơn trước thời kỳ khủng hoảng; nước Mỹ không còn bị lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ của nước ngoài như 30 năm qua; quân đội đã chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất ở Afghanistan...
Trong bản Thông điệp dài hơn 6.500 từ, Tổng thống Mỹ đã đề ra một loạt chương trình để mở rộng cơ hội kinh tế của nước này, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Trung tâm của chương trình này là kế hoạch tăng thuế người giàu để giảm thuế cho dân nghèo và tạo ra các nguồn quỹ để thực hiện nhiều chương trình xã hội và giáo dục khác. 
Tổng thống Mỹ cũng thông báo đã chuyển tới Quốc hội kế hoạch miễn học phí đại học công để tăng nguồn lao động trình độ cao của nước này, đáp ứng xu thế lao động trong thế kỷ 21. Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật đảm bảo phụ nữ được trả công ngang bằng với nam giới. 
Về vấn đề an ninh, ông kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng vũ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng đã đề cập đến các vấn đề quảng bá truy cập Internet, an ninh mạng, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa tình trạng biến đổi khí hậu...
Các trọng tâm đối ngoại
Ông Obama cũng đã dành ra một phần lớn trong bài diễn văn để trình bày về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Trong đó, về vấn đề Cuba, ông Obama cho rằng lập trường ngoại giao của nước này suốt 50 năm qua đã “không phát huy hiệu quả”.
“Đã đến lúc thử một hướng đi mới” - ông nói, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ gỡ bỏ cấm vận với Cuba trong năm nay.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Obama cho biết Mỹ đang “cải tiến” các mối quan hệ đồng minh và đảm bảo các nước khác tuân theo luật chơi trong vấn đề thương mại lẫn giải quyết tranh chấp trên biển. Trong đó, ông cảnh báo Trung Quốc đang muốn tạo ra các quy tắc thương mại cho khu vực châu Á, động thái mà theo ông, sẽ đặt các công nhân và các doanh nghiệp của Mỹ vào thế bất lợi.
“Chúng ta cần phải đóng vai trò thành viên trong sân chơi đó. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị cả hai đảng cho tôi quyền thúc đẩy thương mại để bảo vệ các công nhân Mỹ, với các thỏa thuận thương mại mạnh mẽ mới không chỉ tự do mà còn công bằng từ châu Á tới châu Âu” — ông này tuyên bố. 
Tổng thống Mỹ hiện đang muốn được trao quyền đàm phán nhanh, theo đó cho phép Nhà Trắng đàm phán để hoàn tất các thỏa thuận thương mại hoàn thiện các thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương rồi đệ trình để Quốc hội chỉ phê chuẩn chứ không được sửa đổi.

Đọc thêm