Mỹ 'đau đầu' lo phát hiện, ngăn chặn tấn công khủng bố

(PLO) - Những vụ tấn công như vụ vừa xảy ra ở Orlando, Florida (Mỹ) đã gây kinh động và bất mãn trong công chúng Mỹ. Những câu hỏi về việc chính phủ sẽ làm gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai lại được đặt ra.
Bên ngoài hiện trường vụ xả súng
Bên ngoài hiện trường vụ xả súng

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã biết về tay súng Omar Mateen và đã thẩm vấn hắn vào những năm 2013 và 2014, nhưng một giới chức cho hay nhân viên điều tra không tìm được bằng chứng về hành động tội phạm. 

Bị “để mắt”, vẫn gây án

Omar Mateen, thủ phạm thực hiện vụ tấn công nhằm vào hộp đêm cho người đồng tính ở thành phố Orlando, từng bị điều tra vì có liên hệ với một kẻ đánh bom liều chết người Mỹ.

Trong thông báo, FBI cho biết tên Mateen đã 2 lần bị lực lượng an ninh “để mắt”, năm 2013 và năm 2014. Đặc biệt, năm 2014, tên này đã bị thẩm vấn về mối quan hệ với Moner Mohammad Abusalha, người Mỹ đầu tiên tiến hành đánh bom tự sát ở Syria, thành viên của mạng lưới khủng bố al Qaeda. Theo FBI, trước khi tiến hành vụ thảm sát, tên Mateen được cho là đã gọi điện cho 911 và tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) .

Ngoài ra, FBI thông báo không có nghi phạm thứ hai trong vụ xả súng này và hiện không có mối đe dọa nào quá nghiêm trọng với thành phố Orlando hay trên toàn nước Mỹ. FBI bước đầu cho rằng vụ xả súng ở hộp đêm trên có thể được coi là một vụ khủng bố trong nước. Có một số dấu hiệu cho thấy thủ phạm đã “hành động như một phần tử Hồi giáo cực đoan”, song chưa có kết luận cuối cùng nào được đưa ra. 

Còn theo hãng tin Reuters, tên Omar Mateen là nhân viên an ninh của công ty an ninh lớn nhất thế giới G4S từ năm 2007, có nhiệm vụ bảo vệ tại câu lạc bộ golf PGA Village ở Port St Lucie của bang Florida. Hãng G4S cho biết việc mang theo súng là thuộc phận sự của nhân viên, song hãng vẫn đang tìm hiểu liệu súng được sử dụng trong vụ tấn công có liên quan gì đến công việc của Omar Mateen hay không. 

Chân dung nghi phạm xả súng. Ảnh: Mirror
Chân dung nghi phạm xả súng. Ảnh: Mirror


Ngập đầu với hàng ngàn cuộc điều tra

Ông Seamus Hughes, Phó Giám đốc Chương trình về Chủ nghĩa Cực đoan tại Trường Đại học George Washington nói nhiều khả năng FBI sẽ mở lại cuộc điều tra về vụ việc này. Ông Hughes nói: “Vấn đề luôn luôn xảy ra khi một người đi từ tư tưởng cực đoan đến hành động thực tế, và đó là điều mà FBI đang tìm cách giải quyết ngay lúc này. Họ có cả ngàn cuộc điều tra đang tiến hành ở tất cả 50 tiểu bang, và phải quyết định khi nào thì một người chỉ phát ngôn bừa bãi và khi nào thì họ thực sự sẽ bất ngờ đi đến chỗ thực hiện hành vi tàn bạo”.

Ông Daniel Pipes, Chủ tịch Diễn đàn Trung Đông nhấn mạnh, nhà chức trách khó mà theo dõi các phần tử cực đoan có thể có hành vi bạo lực bởi vì những kẻ này không nhất thiết phải có “thành tích tội phạm” hay có liên quan với những người có hành vi bạo động. Ông Pipes nói: “Tôi đã đưa ra định nghĩa sự kiện này nhiều năm trước là “Hội chứng Thánh chiến Bất ngờ”, bất ngờ với ý nghĩa là không có dấu hiệu cảnh báo nào từ bên ngoài. Ai đó trong trường hợp này là một nhân viên bảo vệ đã có một đứa con 3 tuổi, dường như đã hòa nhập vào sống một cuộc sống bình thường, lại có thể có những khái niệm sai lệch trong đầu và bắt đầu tàn sát mọi người”.

Kẻ nổ súng ở Orlando đã tuyên thệ trung thành với IS trong một cú điện thoại gọi cho dịch vụ khẩn cấp, trong khi nhóm chủ chiến này dùng phương tiện truyền thông để thừa 

nhận là vụ tấn công do một trong các chiến binh của họ thực hiện. Bà Marielle Harris, một nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Dự án Chống Cực đoan nói rằng chưa rõ mức độ hỗ trợ trực tiếp mà tay súng đã có thể có, nhưng dù sao thì chúng cũng đã thành công khi thông tin về vụ tấn công đã được lan truyền. Điều quan trọng là nhìn vào vai trò của Internet trong việc cực đoan hóa, các công ty truyền thông xã hội cần phải hành động tích cực hơn.

Bà Harris nhấn mạnh: “Chúng ta không biết rõ Omar Mateen tham gia truyền thông xã hội ở mức độ nào, nhưng ta có thể phỏng đoán là hắn ta bị cực đoan hóa qua mạng Internet. Hắn ta chưa hề đến một lãnh địa nằm dưới sự kiểm soát của IS. Hắn ta sinh ra ở New York. Hắn ta sống phần lớn thời gian trong đời ở Florida. Vậy thì nhờ đâu mà mọi người thu thập thông tin vào thời buổi này? Chính là qua Internet. Họ tự cực đoan hóa ở đâu? Chính là trên Internet”.

Bà Harris cũng nhấn mạnh rằng ngoài những giao tiếp có thể nhìn thấy một vấn đề chính là các phần tử cực đoan liên hệ với nhau trên Facebook hay Twitter và sau đó tiến tới các phương tiện mã hóa khó truy tìm hơn. Bà nêu bật một chương trình trên mạng báo hiệu các tài khoản mang tính cực đoan, và theo dõi các nội dung đăng tải bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ả Rập. Bà Harris nói tiếp: “Chúng ta thực sự cần phải theo dõi các phần tử cực đoan này để xem họ đang cực đoan hóa ra sao trên mạng bởi vì đó là phân nửa chiến trường”.

Linh mục Kelvin Cobaris an ủi Ủy viên Hội đồng thành phố Orlando, bà Patty
Linh mục Kelvin Cobaris an ủi Ủy viên Hội đồng thành phố Orlando, bà Patty

Tiêu điểm mới để vận động bầu cử

Vụ thảm sát tại Orlando đã trở thành vấn đề chi phối chính sách đối nội và đối ngoại của các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ngày 13/6, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa đã đưa ra những quan điểm trái ngược liên quan vụ việc gây chấn động nước Mỹ này. 

Phát biểu tại Manchester, bang New Hampshire, tỷ phú Trump tuyên bố: “Nếu được bầu làm tổng thống, tôi sẽ ngừng tiếp nhận người nhập cư từ các khu vực có lịch sử khủng bố chống lại nước Mỹ, châu Âu hay các nước đồng minh của Mỹ cho đến khi chúng ta biết rõ cách để chấm dứt mối đe dọa này”. Mặc dù thủ phạm của vụ xả súng, Omar Mateen là người Mỹ sinh ra tại New York, tuy nhiên, ông Trum nhấn mạnh bố mẹ của tên này là người nhập cư từ Afghanistan.

Trong bài phát biểu, ông Trump cũng chỉ trích đối thủ bên phía đảng Dân chủ là bà H. Clinton về việc ủng hộ tiếp nhận người tị nạn Syria, đồng thời chất vấn động cơ của Tổng thống Barack Obama khi từ chối sử dụng thuật ngữ “khủng bố Hồi giáo cực đoan” để mô tả những vụ tấn công kiểu này. 

Trong khi đó, không đề cập thẳng tới ông Trump, bà Clinton khẳng định chính sách mị dân sẽ không chấm dứt chủ nghĩa khủng bố. Phát biểu tại Cleverland, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh việc biến một tôn giáo thành thứ xấu xa và đưa ra các lệnh cấm đối với người thuộc tôn giáo ấy chỉ gây tổn hại cho một số lượng lớn người Hồi giáo, những người cũng căm ghét chủ nghĩa khủng bố và làm lợi cho tổ chức IS. Bà Clinton kêu gọi tăng cường nỗ lực loại bỏ chiến dịch tuyên truyền của IS trên mạng Internet, đồng thời tăng cường không kích vào nhóm này cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh khu vực. 

Ngoài vấn đề khủng bố, bà Clinton cũng kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn. Đề cập tới việc thủ phạm vụ xả súng tại Orlando từng bị điều tra vì liên quan đến khủng bố song vẫn có thể mua được vũ khí dùng trong chiến đấu, ứng cử viên đảng Dân chủ nhắc lại đề xuất cấm người có tên trong danh sách theo dõi khủng bố mua súng.

Đồng tình với đề xuất này, Nhà Trắng ngày 13/6 đã yêu cầu Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật cấm những kẻ cực đoan sở hữu vũ khí tấn công, như khẩu AR-15 mà tên Mateen sử dụng trong vụ tấn công ngày 12/6. Nhà Trắng cáo buộc phe Cộng hòa vì sợ động đến các nhóm lợi ích mà không bỏ phiếu cho dự luật này.

Vấn đề kiểm soát sở hữu súng đạn cũng gây tranh cãi trong Quốc hội ngày 13/6, khi nghị sĩ đảng Dân chủ James Clyburn cắt ngang “phút mặc niệm” tại Hạ viện với yêu cầu được hỏi về vấn đề súng đạn. Một số nghị sĩ Dân chủ cũng tuyên bố không tham gia sự kiện không có tính thực chất này. Trong khi đó, tại Thượng viện, nghị sĩ Chuck Schumer cùng một số đồng nghiệp kêu gọi bỏ phiếu ngay trong tuần này về lệnh cấm những đối tượng nguy hiểm mua súng hay các thiết bị nổ. 

Cảnh sát nước láng giềng Canada đang lên kế hoạch đẩy mạnh triển khai lực lượng và siết chặt an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho các sự kiện của cộng đồng người đồng tính (LGBT) đang diễn ở thành phố Toronto, sau khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Orlando (Mỹ) làm ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương. 

Cảnh sát trưởng Toronto Mark Saunders cho biết giới chức thành phố đang “khẩn trương đánh giá lại” các kế hoạch an ninh cho những sự kiện trong trong Tháng lễ của người đồng tính ở Toronto (Pride Toronto), với trọng tâm là cuộc diễu hành hôm 3/7 với sự tham gia của Thủ tướng Justin Trudeau. Ban tổ chức sự kiện cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các lực lượng an ninh thành phố để đảm bảo tháng Pride là sự kiện an toàn và thực sự có ý nghĩa đối với cộng đồng LGBT ở Canada nói riêng, thế giới nói chung. 

Lễ hội đồng tính được tổ chức thường niên ở Toronto, khai mạc từ đầu tháng 6 và kéo dài trong một tháng. Trong năm ngoái, lễ hội thu hút gần một triệu khách tham quan. Riêng sự kiện ngày 3/7 thu hút khoảng 100.000 người diễu hành và khách tới xem. Đây là sự kiện lớn của một trong những lễ hội người đồng tính lớn nhất thế giới.