Mỹ đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên

(PLO) - Phát biểu khi thăm Ấn Độ ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định Mỹ muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang với Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis

Theo Reuters, phát biểu của ông Mattis khá nhẹ nhàng so với những phát biểu hùng hồn qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian qua. “Chúng tôi đang duy trì khả năng ngăn chặn đe dọa nguy hiểm nhất từ Triều Tiên nhưng cũng ủng hộ các nhà ngoại giao thực hiện các biện pháp để kiềm chế. Mục tiêu của chúng tôi là giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng con đường ngoại giao. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đã nói rõ về việc đó”, ông Mattis phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ tại New Delhi. 

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ vẫn đang tiếp tục gây áp lực với giới lãnh đạo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực ngoại giao ở LHQ. Các vị có thể thấy rõ các nghị quyết đã được Hội đồng bảo an LHQ nhất trí thông qua đã gia tăng áp lực cả về kinh tế lẫn ngoại giao với Triều Tiên”, người đứng đầu lực lượng quân sự Mỹ lạc quan. 

Phát biểu của ông Mattis được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un liên tục khẩu chiến sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử bom hạt nhân thứ 6 và thử tên lửa liên lục địa với lý do phải tự vệ trước đe dọa từ Mỹ. Hồi tuần trước, việc Bình Nhưỡng tuyên bố có thể sẽ tiến hành một vụ thử bom H ở Thái Bình Dương đã dấy lên những lo ngại từ cộng đồng quốc tế về một cuộc xung đột chết người.

Về phía Triều Tiên, Reuters ngày 26/9 dẫn thông tin của hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên dường như đang tăng cường khả năng phòng thủ ở bờ biển phía đông bằng cách điều các máy bay chiến đấu tới khu vực này cùng một số biện pháp khác. Trước đó 1 ngày, phát biểu với các phóng viên ở Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nói rằng những phát biểu của Tổng thống Mỹ Trump trên Twitter chính là lời “tuyên chiến”, do đó Bình Nhưỡng có quyền có các biện pháp đối phó, trong đó có việc bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ ngay cả khi các máy bay này không ở trong không phận của Triều Tiên. Phát biểu của giới chức Triều Tiên được đưa ra sau khi Mỹ cuối tuần qua đã điều các máy bay ném bom tới gần bán đảo Triều Tiên. 

Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders bác bỏ tuyên bố của Bình Nhưỡng cho rằng Mỹ đã “tuyên chiến”, gọi đây là một đề xuất “vô lý”. Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không có người chiến thắng. “Chúng tôi hy vọng các chính trị gia Mỹ và Triều Tiên sẽ có phán đoán chính trị phù hợp để nhận ra rằng sử dụng vũ lực quân sự sẽ không bao giờ là cách thức để giải quyết vấn đề cũng như những lo ngại của họ”, ông Lục nói.

Tại Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên đã gần như cạn kiệt. Nga cũng cho biết đang làm việc để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. 

Đọc thêm