Mỹ điều tra vụ gửi bom thư cho các nghị sỹ đảng Dân chủ

(PLO) - Giới chức Mỹ đang ráo riết điều tra động cơ, nguyên nhân và thủ phạm đứng sau vụ việc các thiết bị gây nổ được cho là bom ống được gửi đến địa chỉ nhà riêng của tỉ phú George Soros – một người tích cực ủng hộ cho đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric H. Holder, nghị sỹ đảng Dân chủ Maxine Waters và đài CNN.
Giới chức Mỹ đang điều tra vụ việc
Giới chức Mỹ đang điều tra vụ việc

Theo Reuters, Mật vụ Mỹ đã chặn những gói khả nghi được gửi tới địa chỉ của ông Obama ở Washington, nhà của bà Clinton ở bang New York. Ông Eric Holder – Bộ trưởng Tư pháp Mỹ dưới thời ông Obama – cũng đã bị nhắm mục tiêu. Trụ sở của đài CNN ở New York cũng nhận được một gói đồ có chứa chất màu trắng khả nghi, buộc cảnh sát phải sơ tán toàn bộ người dân ở tòa nhà Time Warner.

Trong đó, bưu kiện khả nghi gửi tới bà Clinton được tìm thấy vào cuối ngày 23/10, còn bưu kiện ghi địa chỉ nhà ông Obama được tìm thấy rạng sáng 24/10. Mật vụ Mỹ cho biết cả ông Obama và bà Clinton đều không gặp nguy hiểm vì các bưu kiện đã được rà soát. Tất cả những người bị gửi bom thư đều là những người có các phát biểu chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Washington Post, trên các bưu kiện chứa thiết bị gây nổ có dán tem thư và ghi địa chỉ người gửi là cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz. Riêng bưu kiện gửi cho ông Holder do ghi sai địa chỉ người nhận nên được gửi trả lại cho người nhận ghi trên phong bì là bà Schultz.

“Đến nay, các thiết bị được xác định có thể là bom ống”, ông John Miller – Phó Giám đốc Cảnh sát New York phụ trách về tình báo và chống khủng bố cho biết. FBI cũng xác nhận những bưu kiện được đóng gói với quy cách giống nhau và “chứa các thiết bị có thể là chất nổ”.

Theo các quan chức khác của Mỹ, những bưu kiện vừa được phát hiện có hình dáng tương tự bưu kiện đã được tìm thấy và được cảnh sát kích nổ tại nhà ông George Soros – một nhà tài trợ nổi tiếng cho đảng Dân chủ và là người thường xuyên có những phát biểu về thuyết âm mưu cánh hữu hôm 22/10.

Hiện chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Giới chức New York đã gọi đây là hành động khủng bố. “Đây rõ ràng là âm mưu khủng bố nhằm làm suy yếu tự do báo chí và các lãnh đạo của đất nước thông qua những hành động bạo lực”, Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc, thông tin về vụ việc đã khiến mức độ căng thẳng chính trị tại Mỹ gia tăng ít ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 6/11 tới và có ý nghĩa quyết định về việc liệu đảng Dân chủ có thể chiếm được thế đa số mà đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang nắm giữ tại Quốc hội hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án vụ việc và đưa ra lời kêu gọi đoàn kết hiếm hoi. “Ở những thời điểm này, chúng ta phải thống nhất, chúng ta phải cùng nhau vượt qua và phát đi thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, không thể nhầm lẫn rằng những hành động hay đe dọa bạo lực chính trị ở bất cứ hình thức nào đều không có chỗ ở Mỹ”, ông Trump phát biểu từ Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ điều tra, làm rõ mọi việc. 

Hiện, giới chức Mỹ vẫn đang điều tra nhằm xác định danh tính thủ phạm giấu mặt nhưng nhân vật cánh tả John Cardillo trên Twitter cho rằng các điều tra viên cần kiểm tra nghiêm túc những nhóm cực hữu như #Antifa khi điều tra vụ việc. Nghe có mùi chiến thuật cờ giả trong vụ việc”, ông Cardillo nhận định. 

Thuyết cờ giả đầu tiên được lan truyền chóng mặt sau vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Nhiều người khi đó phao tin rằng chính Chính phủ Mỹ đứng đằng sau vụ khủng bố nhằm lấy lý do xâm lược Iraq. Tuy nhiên, trong vài năm qua, khi hệ thống mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, cờ giả trở nên có chỗ đứng và thông dụng hơn. 

Đọc thêm