Theo giới chức Mỹ, bang Georgia ở miền Nam nước này ngày 12/9 cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì bão. Trước đó, tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố ở các bang Virginia, Maryland, South Carolina. Chính quyền thành phố Washington cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.
Người dân Mỹ gia cố nhà cửa để đề phòng bão. |
Để đề phòng ảnh hưởng của siêu bão, chính quyền Mỹ cũng đang cân nhắc lần đầu tiên sử dụng hệ thống đê chắn lũ để bảo vệ Nhà Trắng cùng các khu vực lân cận và các tòa trụ sở chính quyền liên bang khỏi nguy cơ bị ngập.
Bão Florence dự kiến không đổ bộ trực tiếp vào thủ đô, tuy nhiên dự báo mưa lớn (với lượng nước có thể lên tới 1m) tại nhiều nơi ở Carolina, cách thủ đô 480 km về phía Nam, có thể đẩy mực nước đến mức nguy hiểm cho Washington.
Đường phố vắng hoe. |
Cơ quan khí tượng Mỹ ban đầu xác định bão này ở mức độ 4 trong thang bão 5 cấp độ. Đến ngày 12/9, cấp bão Florence đã được hạ xuống cấp độ 2 trong thang nhưng cơn bão này vẫn được xác định là một cơn bão vô cùng nguy hiểm.
Theo CNN, giới chức ở các bang dọc đường đi của bão đã thúc giục người dân đi sơ tán và tránh lái xe ở gần các khu vực bờ biển.
Người dân ở bang Bắc Carolina đã được sơ tán để tránh bão. |
Thống đốc các bang Bắc Carolina Roy Cooper và Nam Carolina Henry McMaster tuyên bố với hơn 1 triệu người đã được khuyến nghị sơ tán rằng nếu họ không rời đi sẽ không có ai tới cứu họ. “Kể cả các nhân viên cứu hộ cũng không thể ở đó”, ông McMaster nói.
Người dân lấy cát để gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ. |
Tại bãi biển Carolina ở bang Bắc Carolina, nhà chức trách đã không cho phép tới đảo qua cây cầu duy nhất nối đảo này với đất liền. Giới chức địa phương cũng đã áp dụng lệnh giới nghiêm 24 giờ ở khu vực.
Cảnh sát lập chốt kiểm tra không cho vào thành phố Surf ở Bắc Carolina. |
Thống kê cho thấy đã có ít nhất 800 chuyến bay dọc khu Bờ Đông của Mỹ đã bị hủy trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15/9 vì bão./