Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, cuộc tập trận Giải pháp Then chốt sẽ kéo dài đến ngày 18/3 còn Đại bàng Non sẽ kéo dài đến hết ngày 30/4. Mỗi cuộc tập trận đều bao gồm diễn tập chỉ huy trên máy tính và huấn luyện trên thực địa.
Theo Chỉ huy các lực lượng hỗn hợp của Mỹ và Hàn Quốc (CFC), các cuộc tập trận năm nay sẽ có sự tham gia của khoảng 17.000 binh sỹ Mỹ. Đây là số lượng binh sỹ Mỹ lớn nhất từng được đưa tới bán đảo Triều Tiên kể từ khi 2 cuộc tập trận trước đây vốn diễn ra riêng rẽ nhưng đã được kết hợp lại thành một vào năm 2008.
Nhóm chiến đấu của Hải quân Mỹ do tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis (CVN-74) dẫn đầu cũng sẽ đến Hàn Quốc trong tuần này để tham gia các cuộc tập trận. Ngoài ra, phía Mỹ cũng sẽ huy động một tàu ngầm hạt nhân, máy bay tiếp dầu trên không và máy bay ném bom tham gia các hoạt động diễn tập.
Về phía Hàn Quốc, khoảng 300.000 binh sỹ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận. “Với quy mô binh sỹ tham gia và các thiết bị quân sự được huy động tham gia trong cuộc tập trận gần đây nhất, đây sẽ là các cuộc tập trận Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non lớn nhất về quy mô” – một quan chức CFC cho biết.
Theo tuyên bố của CFC, cuộc tập trận Giải pháp Then chốt được thực hiện nhằm nhấn mạnh quan hệ đối tác, hữu nghị lâu dài và gắn bó giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như cam kết của các nước này trong việc bảo vệ Hàn Quốc và ổn định trong khu vực. Còn cuộc tập trận Đại bàng Non sẽ bao gồm một loạt các hoạt động đào tạo trên trận địa chung ở cả trên mặt đất, trên không, trên biển và các hoạt động đặc biệt khác.
Các nguồn tin quân sự của Hàn Quốc cho biết các cuộc tập trận năm nay giữa 2 nước sẽ lồng ghép các nội dung được ghi trong bản kế hoạch hoạt động OPLAN 5015 mới được 2 nước đồng minh ký kết gần đây. Theo bản kế hoạch này, liên minh sẽ phát động các cuộc tấn công vào lãnh đạo Triều Tiên và kho vũ khí, hạt nhân của nước này trong bối cảnh chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, kế hoạch hoạt động chống Triều Tiên “4D” mới của Mỹ và Hàn Quốc - trong đó nêu chi tiết các hoạt động ưu tiên của quân đội nhằm phát hiện, gây gián đoạn, phá hủy và phòng thủ đối với kho hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - cũng được đưa vào cuộc tập trận.
Cũng trong ngày 7/3, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã khởi động các cuộc tập trận đổ bộ mỗi 2 năm một lần có tên Ssangyong. Hơn 5.000 lính hải quân Hàn Quốc và khoảng 12.200 lính Mỹ tham gia cuộc tập trận này.
Các cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên mới đây. Ngay khi Seoul và Washington khởi động tập trận, Bình Nhưỡng cũng đã đe dọa sẽ tiến hành “phản công tổng lực” nhằm đáp trả các hoạt động của Hàn Quốc và Mỹ.
Hồi năm ngoái, Triều Tiên cũng đã bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa đất đối không nhằm phản đối các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng gọi là “màn dạo đầu cho một cuộc xâm lược Triều Tiên”.