Mỹ: Kết án chủ mưu vụ “chạy trường” gây chấn động

(PLVN) - Ngày 4/1, William “Rick” Singer – đối tượng cầm đầu đường dây gian lận đầu vào các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, đã bị kết án 3,5 năm tù giam. Hàng chục đối tượng khác cũng đã phải lĩnh án trong vụ án đã làm rúng động hệ thống giáo dục đại học của Mỹ.
Đối tượng William Rick Singer.

Những bản án thích đáng

Theo CNN, William “Rick” Singer là nhân vật trung tâm trong vụ gian lận mà trong đó, các bậc cha mẹ giàu có, vì quá muốn con cái của họ vào các trường đại học ưu tú, đã trả những khoản tiền lớn để gian lận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, hối lộ các huấn luyện viên và quản lý trường đại học, những người có ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, khai báo gian dối với chính quyền.

Tại phiên tòa diễn ra tại Tòa sơ thẩm liên bang ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ, Singer, 62 tuổi, cựu giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn tuyển sinh đại học đã bị kết án 3,5 năm tù giam vì các tội danh lừa đảo, rửa tiền, gian lận và cản trở công lý. Thẩm phán Rya Zobel cho biết, ngoài bản án tù giam, Singer còn bị kết án 3 năm quản chế và bị tịch thu hơn 10 triệu USD. Mức án này thấp hơn so với mức án 6 năm tù giam mà các công tố viên đã đề nghị. Trên thực tế, từ tháng 3/2019, Singer đã thừa nhận các hành vi phạm tội của mình. Người này cũng đã hợp tác với cơ quan điều tra trong những tháng trước khi vụ việc được công bố và cả những năm sau đó.

Bản án của Singer là mức án cao nhất trong hàng chục bản án được tuyên đối với các cá nhân liên quan trong chiến dịch điều tra mang tên Chiến dịch Varsity Blues. Hơn 50 cá nhân liên quan vụ bê bối này, trong đó có các giám thị, giáo viên luyện thi, các bậc cha mẹ giàu có, bao gồm những người nổi tiếng như các nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Laughlin. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, hầu hết tất cả các bị cáo trong số này đều đã nhận tội và bị kết án tù từ vài ngày đến hơn 1 năm. Ví dụ, nữ diễn viên Huffman bị kết án 14 ngày còn cô Loughlin nhận bản án 2 tháng sau song sắt. Cựu huấn luyện viên quần vợt Georgetown Gordon Ernst cũng đã bị tuyên mức án 2,5 năm tù.

Vụ phạm tội “độc nhất vô nhị”

Đường dây “chạy” đại học gây chấn động nước Mỹ được đưa ra ánh sáng một cách hết sức tình cờ. Cụ thể, vào năm 2018, các công tố viên ở thành phố Boston trong quá trình điều tra về một vụ lừa đảo chứng khoán đã được nghi phạm tiết lộ thông tin về một đường dây gian lận tuyển sinh đại học quy mô lớn. Nghi phạm đề nghị giúp cơ quan thực thi pháp luật phá đường dây gian lận với hy vọng được đổi lấy sự khoan hồng. Sau khi đạt được thỏa thuận, nghi phạm tiết lộ danh tính huấn luyện viên của một trường đại học đã mời chào ông ta đưa hối lộ để con của ông ta có thể vào một ngôi trường danh tiếng.

Từ tin báo trên, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã quyết định mở cuộc điều tra có mật danh Chiến dịch Varsity Blues. Cuộc điều tra chính thức được mở ra vào tháng 4/2018, với sự tham gia của hơn 300 nhân viên của FBI. Kết quả là, FBI phát hiện một huấn luyện viên môn bóng đá của Trường Đại học Yale tên Rudolph Meredith đã đề nghị phụ huynh học sinh hối lộ 450.000 USD để sắp xếp cho con gái của người này vào đội bóng của ông ta. Sau khi thu được bằng chứng về cuộc trao đổi diễn ra tại một khách sạn ở Boston, các nhà điều tra gây sức ép với Meredith, buộc ông ta phải khai ra kẻ cầm đầu. Nhân vật này chính là Singer, một doanh nhân sống tại Newport Beach, bang California, người sáng lập trường dự bị đại học Edge College & Career Network.

Luôn “vỗ ngực” giới thiệu là chuyên gia về quá trình tuyển sinh đại học Mỹ, Singer từng ra mắt cuốn sách có tên “Getting In: Gaining Admission to Your College of Choice”, hướng dẫn các học sinh và cha mẹ về những bí kíp để có thể được nhận vào trường đại học. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, Singer chỉ đề cập đến những kỹ năng “bề nổi” mà không hề nói gì đến kỹ thuật ngầm – những thứ giúp ông ta thành công trong việc lo lót cho các sỹ tử vào đại học thành công.

Theo kết quả điều tra, năm 2014, Singer thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Key Worldwide, với mục tiêu là giúp đỡ các sinh viên nghèo trên toàn thế giới có được điều kiện theo đuổi việc học hành. Song, đây là một quỹ ngầm, được thành lập để nhận những khoản tiền “tiền từ thiện”, thực chất là tiền mà các phụ huynh chi trả cho việc lo lót cho con họ vào đại học. Không những thế, theo quy định của Mỹ, các phụ huynh sau đó còn được hưởng khấu trừ khoản “tiền từ thiện đó” từ thuế thu nhập cá nhân của họ.

Theo cơ quan công tố Mỹ, đường dây của Singer bắt đầu đi vào hoạt động năm 2011. Trong vòng 9 năm, tên này đã nhận của phụ huynh học sinh tổng cộng 25 triệu USD để đút lót cho con cái họ được nhận vào những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Người ít nhất đã trả cho Singer 200.000 USD còn người nhiều nhất thậm chí đã trả tới 6,5 triệu USD. Theo các công tố viên, Singer thường thực hiện việc chạy chọt theo 2 cách là gian dối điểm thi hoặc làm giả hồ sơ vận động viên thể thao. Trong đó, để gian dối điểm thi, Singer thường khuyên khách hàng làm giả chứng nhận y tế rằng con cái họ bị khuyết tật để các thí sinh được cho thêm thời gian làm bài, hoặc được chuyển sang một trung tâm khảo thí mà ông ta có quan hệ.

Singer cũng thường dùng dịch vụ của Mark Riddell - Giám đốc một trung tâm luyện thi tại Florida. Theo FBI, Riddell sẽ làm bài thi giúp cho các thí sinh hoặc tuồn câu trả lời vào phòng thi. Một phụ huynh có con có điểm thi tăng thêm tới 400 điểm nhờ cách này. Ngoài ra, Singer cũng có thể bố trí người trong đường dây làm giám thị để hướng dẫn các thí sinh đã “chạy” làm bài thi; hoặc bố trí một người sửa những câu trả lời sai của học sinh thành câu trả lời đúng để tăng điểm bài thi. Để đổi lấy việc tăng điểm cho con như vậy, các phụ huynh sẽ phải trả từ 15.000 đến 75.000 USD. Singer sẽ thống nhất trước với cha mẹ về số điểm họ muốn con mình đạt được.

Tại tòa, công tố viên liên bang Stephen E. Frank đã vạch rõ vai trò của Singer trong việc điều phối đường dây lừa đảo quy mô lớn nói trên. Theo công tố viên Frank, đây là vụ phạm tôi “độc nhất vô nhị” trong lịch sử nước Mỹ và là vụ gian lận lớn nhất xảy ra trong hệ thống giáo dục đại học của nước này. Vị công tố viên cũng thừa nhận sự hợp tác “có một không hai” của Singer với chính quyền, trong đó Singer đã cho phép các đặc vụ FBI nghe lén điện thoại của ông ta và giúp vạch trần nhiều đối tượng liên quan khác. kẻ chủ mưu khác. Tuy nhiên, công tố viên Frank cũng chỉ rõ, Singer đã tiết lộ cho một số khách hàng của mình về cuộc điều tra, vì vậy, ông ta đã phải nhận tội cản trở công lý.

Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt bê bối tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ. Thời gian qua, các công tố viên tại Boston cũng đã truy tố nhiều cá nhân bị cáo buộc gian lận trong việc tổ chức các kỳ thi đầu vào. Năm 2016, Công ty College Board giám sát kỳ thi tuyển đại học ở Mỹ (SAT) bị phát giác làm lộ hàng trăm câu hỏi kiểm tra.

Đọc thêm