Ông Biden đã đến Tokyo vào tối 2/12. Sau Tokyo, ông sẽ đến Bắc Kinh và Seoul trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 6 ngày. Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc dự kiến sẽ là chủ đề bao trùm các cuộc thảo luận giữa ông Biden với lãnh đạo các nước chủ nhà. Cả Mỹ và Nhật đều đã lên án mạnh mẽ vùng nhận dạng phòng không này.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Internet |
Trong lá thư gửi nhật báo Asahi của Nhật Bản, Phó Tổng thống Biden nói về việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không, ông nhấn mạnh “sự cấp thiết phải đạt được thỏa thuận giữa 2 nước Trung Quốc và Nhật Bản để xác lập cơ chế kiểm soát khủng hoảng và các biện pháp xây dựng lòng tin để làm giảm căng thẳng”. Ông dự định sẽ “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh những hành động có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Trước đó, trong ngày 2/12, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ vùng phòng không mà nước này vừa công bố nhằm tránh đối đầu với Nhật Bản. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki tái khẳng định rằng Washington không công nhận vùng phòng không cũng như yêu cầu của Trung Quốc đòi máy bay của các nước khác khi bay qua khu vực này phải thông báo kế hoạch bay.
“Thực tế là tuyên bố của Trung Quốc, vốn gây ra sự nhầm lẫn và làm tăng nguy cơ rủi ro, chỉ nhấn mạnh thêm những quan ngại về pháp lý và yêu cầu phải hủy bỏ các thủ tục này đối với Trung Quốc” – bà Jen Psaki tuyên bố vài giờ sau khi ông Biden có mặt tại Tokyo.
Bà Psaki nhấn mạnh rằng chỉ dẫn của Cục Hàng không liên bang tới các hãng hàng không tại nước này không có nghĩa là Mỹ chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc. Theo bà Psaki, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “thiếu sự phối hợp” và “không phù hợp với các tuyên chuẩn thực tế”.
Cũng theo Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington không cho rằng tuyên bố này là hợp pháp. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney trong khi đó nói rằng: “Đây dường như là một nỗ lực khiêu khích nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và do đó làm tăng các mối căng thẳng và tăng nguy cơ của một cuộc đối đầu không chủ tâm”.
Trong một động thái làm tăng thêm những căng thẳng, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ngày 3/12 nói rằng Bắc Kinh có quyền chủ quyền để thiết lập một vùng phòng không hàng hải đối với các khu vực khác. Khi được hỏi về những đồn đoán cho rằng Trung Quốc có thể sẽ lập một vùng phòng không tương tự trên biển Đông, bà Ma Keqing ngang nhiên tuyên bố rằng đó là “quyền của Chính phủ Trung Quốc khi quyết định địa điểm và thời gian thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới”.