Trong phán quyết đưa ra ngày 16/3 - ngày sắc lệnh chính thức có hiệu lực- Thẩm phán Theodore Chuang tuyên bố bên nguyên gồm Liên hiệp Tự do dân chủ Mỹ và Trung tâm Luật nhập cư quốc gia đã chứng minh được rằng điều khoản cấm nhập cảnh của sắc lệnh trên là một lệnh cấm đối với người Hồi giáo.
Thẩm phán “đấu” Tổng thống
Vì vậy, văn kiện này đã vi phạm Hiến pháp Mỹ về đảm bảo tự do tôn giáo. Tuy nhiên, phán quyết của Thẩm phán Chuang không ngăn chặn điều khoản cấm người tị nạn của sắc lệnh mới do cho rằng bên nguyên không chứng minh được tính phân biệt tôn giáo của điều khoản này.
Trước đó, một thẩm phán liên bang Mỹ tại Hawaii cũng ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump, song chỉ có hiệu lực tạm thời, trong khi phán quyết của Thẩm phán Chuang lại tương tự như một lệnh huấn thị sơ bộ sẽ có hiệu lực vô thời hạn nếu vụ kiện vẫn tiếp tục.
Phán quyết ngày 15/3 của Thẩm phán liên bang Derrick Watson tại bang Hawaii đã hủy bỏ trên quy mô toàn quốc điều khoản thứ 2 và thứ 6 trong sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Trump liên quan đến việc cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số và việc đình chỉ chương trình nhập cư cho người tị nạn trong 120 ngày.
Phán quyết này là rào cản pháp lý đầu tiên đối với sắc lệnh hạn chế nhập cảnh được công bố hồi đầu tháng 3. Dự kiến, tòa án tại bang Washington sẽ sớm ra phán quyết tiếp tục gây bất lợi cho sắc lệnh này.
Thẩm phán liên bang Derrick Watson |
“Đi đến cùng”
Phản đối các phán quyết này, Nhà Trắng cùng ngày tuyên bố sắc lệnh trên là hợp pháp, đồng thời cho rằng các thẩm phán vượt quá thẩm quyền. Trong một thông cáo riêng, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này, nhấn mạnh văn kiện không mang tính phân biệt tôn giáo. Dự kiến trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ kháng cáo đối với cả hai phán quyết trên.
Ngay sau khi thẩm phán liên bang tại Hawaii quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Chính quyền Washington, sáng 16/3 (theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ chống lại phán quyết trên, đồng thời mô tả quyết định này là "vượt quá thẩm quyền".
Đề cập đến sắc lệnh cấm nhập cảnh mới tại một cuộc mít tinh ở thành phố Nashville, bang Tennessee , Tổng thống Trump nêu rõ: "Hiến pháp Mỹ trao quyền cho tổng thống ngăn chặn hoạt động nhập cư khi xét thấy điều này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ".
Ông nhấn mạnh việc thẩm phán tại Hawaii chặn sắc lệnh nhập cư mới đã khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên "yếu đuối", đồng thời khẳng định Chính quyền Washington sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, kể cả đưa ra Tòa án Tối cao. Vị chủ nhân Nhà Trắng đồng thời để ngỏ khả năng sẽ khôi phục sắc lệnh hành pháp cũ về vấn đề nhập cư và tuyên bố sẽ "đi đến cùng" với văn kiện này tại tòa.
Sắc lệnh hạn chế nhập cư mới được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 với nhiều điều chỉnh so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1. Theo đó, hủy bỏ các lệnh hạn chế nhập cư đối với công dân Iraq, 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cảnh của sắc lệnh trước đây, cũng như những người có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) hoặc đang có thị thực hợp lệ.
Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Sự việc trên đánh dấu một thất bại lớn thứ 2 của Tổng thống Trump trong nỗ lực theo đuổi chính sách nhập cư mà ông cho là thiết yếu để bảo an ninh quốc gia.
Trước đó, tòa án liên bang ở Seattle cũng đã quyết định tạm dừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên do ông Trump ký ban hành sau khi chính thức nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua.