Theo AP, thông tin tin trên được các quan chức quốc phòng của Mỹ tiết lộ. Theo đó, các nguồn tin từ giới chức Mỹ cho hay, đến tháng 8, Mỹ dự định sẽ phóng tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km. Tên lửa này dự định sẽ được lắp đặt trên tàu chiến hoặc tổ hợp cơ động.
Sau đó, đến tháng 11, Mỹ dự kiến sẽ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm bắn khoảng 3.000-4.000 km. Cả 2 tên lửa này đều không mang đầu đạn hạt nhân.
Theo nguồn tin của AP, tên lửa hành trình mới của Mỹ có thể được triển khai trong vòng một năm rưỡi tới còn việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa hơn nhiều khả năng sẽ phải mất từ 5 năm trở lên.
AP cho rằng, dù triển khai thực hiện các dự án tên lửa nói trên, Bộ Quốc phòng Mỹ không loại trừ khả năng Hiệp ước INF có thể sẽ được giữ lại.
Trong trường hợp Nga và Mỹ tìm cách cứu được Hiệp ước INF trước tháng 8, các cuộc thử nghiệm đã được lên kế hoạch sẽ bị hủy.
Tuy nhiên, khả năng này được cho là khó xảy ra. Đến lúc đó, Mỹ và Nga sẽ không còn phải đối mặt với những kiềm tỏa về mặt pháp lý trong việc triển khai các tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo có tầm hoạt động từ 500 tới 5.500km theo Hiệp ước INF có hiệu lực từ năm 1987.
Theo Reuters, Mỹ từ ngày 2/2 vừa qua quyết định đình chỉ thực thi các nghĩa vụ theo INF với lý do Nga vi phạm hiệp ước. Phía Mỹ cho biết sẽ rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng.
Đáp trả động thái của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/3 cũng đã ký sắc lệnh đình chỉ việc thực thi các nghĩa vụ của Nga theo INF.
Cũng trong ngày 11/3, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov tuyên bố Nga có quyền hành động đáp trả các việc thiết kế, sản xuất và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
“Tuy nhiên, chúng tôi không có kế hoạch trở thành bên đầu tiên triển khai những vũ khí tối tân tại các khu vực, trong đó châu Âu, nếu các nơi đó không có hệ thống tương tự của Mỹ”, hãng tin TASS dẫn lời ông Shamanov nói.
Ông Shamanov cũng cho rằng sự sụp đổ của Hiệp ước INF có thể kéo theo nguy cơ Chiến tranh Lạnh trở lại châu Âu.