Mỹ sẽ hỗ trợ NATO về năng lực phòng thủ mạng

(PLO) - Nếu được đề nghị, Mỹ sẽ thay mặt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng năng lực chiến tranh mạng mạnh mẽ của nước này để chống lại những cuộc tấn công mạng từ khắp nơi trên thế giới.
Ảnh minh họa

Theo AP, quan điểm nói trên của Mỹ dự kiến sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng nước này Jim Mattis thông báo khi tham dự cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra trong tuần này. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về các vấn đề an ninh quốc tế Katie Wheelbarger nói rằng, Washington sẽ cam kết sử dụng các chiến dịch mạng nhằm mục đích tấn công và phòng thủ cho các đồng minh NATO nếu được đề nghị. Song, Mỹ sẽ duy trì kiểm soát về nhân sự và khả năng công nghệ mạng. 

Quyết định của Mỹ được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh của NATO hồi tháng 7 vừa qua. Tại Hội nghị này, các nước thành viên của liên minh đã nhất trí cho phép NATO sử dụng năng lực tấn công và phòng thủ mạng do các nước thành viên tự nguyện cung cấp để bảo vệ các mạng lưới thông tin cũng như đối phó với các vụ tấn công mạng. AP cho rằng sự đồng thuận này phản ánh mối quan ngại đang ngày càng tăng của Mỹ và các nước đồng minh về một số nước khác có thể sử dụng các chiến dịch mạng để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở Mỹ và một số nơi khác. 

Theo bà Wheelbarger, động thái của Mỹ là một dấu hiệu để các quốc gia khác thấy rằng NATO sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công mạng nhằm vào NATO hoặc các thành viên của liên minh quân sự này. Còn với Mỹ, đây là cách để Mỹ thể hiện cam kết liên tục của nước này với NATO. Tương tự như với năng lực hạt nhân của Mỹ, tuyên bố chính thức của Washington về việc sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh NATO trong lĩnh vực không gian mạng có thể được xem như một sự hỗ trợ ngăn chặn quân sự cho các nước. 

Mỹ trong thời gian qua đã xem không gian mạng như một mặt trận, tương tự như các trận địa trên không, trên biển và trên bộ. Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược an ninh mạng mới, trong đó nêu chi tiết về việc sử dụng các năng lực trên không gian mạng của quân đội Mỹ. “Chúng tôi sẽ thực hiện các chiến dịch trên không gian mạng nhằm thu thập thông tin tình báo và chuẩn bị năng lực quân sự trên không gian mạng để có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hay một cuộc xung đột”, chiến lược an ninh mạng mới của Mỹ nêu rõ.

Văn bản này cũng nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng sử dụng chiến tranh mạng cùng với các vũ khí quân sự khác nhằm vào kẻ thù khi cần thiết, trong đó có việc tiến hành các hoạt động chống trả lại các hoạt động mạng độc hại nhằm vào nước này. Trong chiến lược an ninh mạng được công bố vài tuần trước của Mỹ cũng đã đề cập đến việc Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để tăng cường năng lực trên không gian mạng.

Với NATO, khối này cũng đã có những động thái đầy cẩn trọng trong vấn đề phòng thủ mạng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối ở Warsaw năm 2016, NATO đã công nhận không gian mạng là một mặt trận, khẳng định một cuộc tấn công được thực hiện trên máy tính nhằm vào một nước đồng minh sẽ đưa tới động thái đáp trả của cả khối theo đúng cam kết của NATO trong việc bảo vệ các nước thành viên. Trong năm ngoái, NATO cũng đã nhất trí mở một trung tâm hoạt động mạng mới. Tuy nhiên, mục tiêu trọng tâm của NATO là bảo vệ các mạng lưới thông tin của khối và các nước thành viên chứ không phải chiến tranh mạng.