Mỹ sẽ xét xử nghi phạm vụ 11/9 ở Guantanamo

Phiên tòa xét xử 5 bị cáo liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 sẽ diễn ra trước một tòa án quân sự đặc biệt ở căn cứ Guantanamo (Cuba).

Phiên tòa xét xử 5 bị cáo liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 diễn ra trước một tòa án quân sự đặc biệt ở căn cứ Guantanamo (Cuba), không diễn ra trước một tòa án dân sự ở New York (Mỹ), trong thời gian tới.

Mỹ sẽ xét xử nghi phạm vụ 11/9 ở Guantanamo ảnh 1

Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bốc cháy hôm 11/9/2001.

Hôm qua, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố trước báo giới: “Hôm nay, tôi đã giao Khaled Cheikh Mohammed, Ramzi ben-al-Chaiba, Ali Abd al-Aziz Ali, Wallid ben Attach và Mustapha al-Hussaoui cho Bộ Quốc phòng để họ được gửi tới một ủy ban quân sự”.

Đả kích lệnh cấm do Quốc hội áp đặt về việc chuyển các tù nhân ở Guantanamo về lãnh thổ Mỹ để xét xử, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho rằng cần phải xem xét đến thực tế mà nước này đang phải đối mặt. Ông Eric Holder tuyên bố những hạn chế do Quốc hội đưa ra sẽ được hủy bỏ trong tương lai gần.

“Chúng tôi sẽ không thể chậm trễ trong việc tổ chức phiên tòa này lâu hơn nữa vì sự tôn trọng đối với các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 và đối với gia đình các nạn nhân – những người đã phải chờ đợi gần 10 năm nay”, ông nói.

Bộ trưởng Tư pháp Holder hôm 4/4 cũng nhấn mạnh tới sự bất đồng sâu sắc về việc lựa chọn một tòa án đặc biệt hay là một tòa án liên bang tại New York như ông đã từng thông báo hồi tháng 11/2009.

Tuyên bố trên đây của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thông báo sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai vào năm 2012. Tuy nhiên, đó cũng là một vấn đề lớn trong chính sách mà ứng cử viên Obama năm 2008 đã khẳng định muốn làm để chấm dứt những “việc thái quá trong cuộc chiến chống khủng bố” của người tiền nhiệm, nhà bảo thủ George W.Bush.

Theo đánh giá của Anthony Romero – Giám đốc Hội Bảo vệ quyền tự do công dân (ACLU), “động thái quay ngoắt 180” độ từ phía chính quyền Obama thể hiện mong muốn gây dựng lòng tin về hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới. 

Tỏ ra “thất vọng” với quyết định trên của Bộ trưởng Holder, về phần mình Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy nhắc lại rằng “các tòa án liên bang đã kết án hàng trăm tên khủng bố” trong khi “kết quả của các uỷ ban quân sự dường như không thể mang so sánh được, chỉ với vài vụ”. 

Trong số những tù nhân ở Guantanamo bị đưa ra xét xử tới đây, Khaled Cheikh Mohammed đã thừa nhận là “kiến trúc sư” cho vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 bằng việc đưa ra ý tưởng cho trùm Osama Bin Laden ngay từ năm 1999. Cùng với 4 bị cáo khác, Mohammed đã bị đưa tới các nhà tù bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để chịu các trận tra tấn trước khi tái xuất hiện ở căn cứ quân sự Guantanamo vào tháng 9/2006.

5 tù nhân nói trên đang đối mặt với án tử hình một khi bị kết án. Phiên tòa xét xử họ vì gây “tội ác chiến tranh” trước tòa án quân sự đặc biệt ở Guantanamo đã từng bắt đầu vào mùa Xuân năm 2008, sau đó phiên tòa này phải hoãn lại theo lệnh của Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, hơn hai năm sau kể từ ngày đó, tất cả những lời hứa của Tổng thống Obama vẫn “nằm im”: Guantanamo “còn lâu” mới bị đóng cửa, các tòa án đặc biệt lại được tái lập sau cuộc cải tổ và phiên tòa xét xử vụ 11/9 sẽ diễn ra trong phòng xử án được bảo vệ hết sức cẩn mật do chính quyền Bush xây dựng tại căn cứ hải quân này của Mỹ trên đất Cuba.

Theo quy định của các tòa án đặc biệt được cải tổ vào mùa Thu năm 2009, thẩm phán quân sự Mỹ điều khiển phiên toà vẫn có thể chấp nhận những lời khai thu thập được trong điều kiện không tự nhiên hoặc không cần “đếm xỉa” gì tới việc tra tấn khi xem xét kết án tử hình đối với bị cáo. Ngoài ra, vị thẩm phán này cũng có thể bảo lưu quyền tùy ý quyết định để chấp nhận những chứng cứ gián tiếp, có nghĩa là những chứng cứ không được xác nhận tại tòa án.

Ông Barack Obama đã đi vào lịch sử nước Mỹ từ tháng 11/2008 khi trở thành Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên ở nước này. Nhưng ông cũng đã phải đối mặt với nhiều diễn biến thăng trầm kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2009: cuộc khủng hoảng ngân hàng và xe hơi, cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế khó khăn, chiến sự tại Afghanistan và mới đây nhất là chiến dịch quân sự ở Libya .

Hôm 4/4, ông Barack Obama đã kêu gọi những người ủng hộ mình bắt đầu cùng ông triển khai chiến dịch tái tranh cử vào năm 2012. Tự đánh giá nửa nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Obama thừa nhận rằng cam kết về “một sự thay đổi bền vững không thể nhanh và cũng không dễ dàng gì”.

Thủy Thu (theo AFP)