Mỹ tăng viện trợ nước ngoài để đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc?

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng đáng kể các khoản viện trợ cho nước ngoài để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ nhằm đối trọng với ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Điều này đi ngược lại các tuyên bố và hành động của Tổng thống Mỹ trước đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại diễn đàn về hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi ở Bắc Kinh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại diễn đàn về hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi ở Bắc Kinh

Sự thay đổi bất ngờ

Theo New York Times, đầu tháng 10 vừa qua, trong một động thái được đánh giá là tương đối phô trương, ông Trump đã ký ban hành một đạo luật để thành lập cơ quan viện trợ nước ngoài mới có tên Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ. Đạo luật được ông Trump ký ban hành cũng trao thẩm quyền cho cơ quan mới được thành lập sử dụng 60 tỷ USD cho các khoản vay, các khoản bảo lãnh vay và các khoản bảo hiểm cho các công ty sẵn sàng làm ăn ở các nước đang phát triển.

Theo giới chức Mỹ, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ thay thế cho Tổng Công ty Đầu tư Tư nhân hải ngoại (OPIC) – Tổng Công ty được Mỹ thành lập vào năm 1971, đóng vai trò như một định chế cho vay nhằm khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào các nước đang phát triển. Tương tự như OPIC, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ chủ yếu tài trợ thông qua các khoản phí, cung cấp các khoản vay, các khoản bảo lãnh vay vốn và các khoản bảo hiểm rủi ro chính trị cho các công ty sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi” đầu tư vào các nước đang phát triển. 

Động thái trên đánh dấu sự đảo ngược quan trọng trong chính sách của ông Trump bởi ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2015, ông mạnh mẽ chỉ trích việc viện trợ cho nước ngoài, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng cấp viện trợ cho những nước có thái độ không thân thiện với Mỹ.

Kể từ khi trở thành tổng thống của Mỹ, ông Trump cũng đã đề xuất cắt giảm 3 tỷ USD viện trợ của Mỹ cho các nước. Cùng với đó, trong khuôn khổ chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông cũng ủng hộ việc cắt giảm kinh phí hoạt động của Tổng Công ty đầu tư tư nhân hải ngoại và thực hiện các bước đi để cắt giảm ngân sách cấp cho Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ - cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi năm phân bổ 22,7 tỷ USD cho các khoản tài trợ trên toàn thế giới.

Đâu là nguyên nhân?

Sự thay đổi trong chính sách của ông Trump với hoạt động viện trợ nước ngoài được cho là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Mỹ hiện nay nhằm ngăn chặn kế hoạch gia tăng ảnh hưởng trên các mặt kinh tế, công nghệ và chính trị của Trung Quốc. Bởi, trong khi Mỹ tìm cách cắt giảm hoạt động cũng như các khoản chi viện trợ nước ngoài thì Trung Quốc trong gần 5 năm qua lại đã mạnh tay chi tiền tài trợ cho các dự án lớn tại khắp châu Á, Đông Âu và châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.

Theo các nhà làm luật Mỹ và các chuyên gia, có vẻ như ông Trump đang muốn áp dụng chiêu “dùng lửa trị lửa” nhằm đối trọng với Trung Quốc. “Tôi đã thay đổi và tôi nghĩ rằng ông ấy cũng đã thay đổi. Và tất cả những thay đổi này là nhắm vào Trung Quốc”, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa đại diện bang Florida Ted Yoho cho biết khi giới thiệu kế hoạch của ông Trump với các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa bảo thủ khác trong Hiệp hội Tự do của Hạ viện - một tổ chức lâu nay vẫn chống lại các chương trình viện trợ cho nước ngoài. Ông Yoho cho hay, trước đây, động lực để ông tranh cử và trở thành nghị sỹ tại Quốc hội là để loại bỏ hoạt động viện trợ cho nước ngoài của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, đến nay quan điểm của ông đã thay đổi. “Nếu chúng ta có thể cải cách và hiện đại hoá hoạt động viện trợ nước ngoài thì tôi sẽ không phản đối điều đó”, ông Yoho - Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ - cho biết.

Theo New York Times, các nỗ lực lưỡng đảng của Mỹ nhằm thúc đẩy gia tăng viện trợ cho nước ngoài đã được bắt đầu thời chính quyền Obama. Tuy nhiên, đến nay phong trào vận động lưỡng đảng này đã được định hình lại, trở thành một trong những cách thức để Mỹ có thể cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc – sáng kiến đặt mục tiêu phân bổ 1 nghìn tỷ USD cho các hoạt động viện trợ xây dựng và đầu tư cho hơn 100 nước trên thế giới. Các khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến này nhắm tới các nước như Pakistan và Nigeria – mà theo nhiều người là nhằm mục tiêu tăng cường ảnh hưởng chính trị cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản và dầu mỏ của các nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng cần nhìn nhận rằng Trung Quốc cũng đã chi hàng tỉ USD cho các dự án ở các nước nhỏ, ít có khả năng chuyển việc đầu tư thành các lợi ích chính trị hoặc tiền tệ. Hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính 60 tỷ USD cho châu Phi, bao gồm các hạn mức tín dụng, trợ cấp và tài trợ đầu tư.

Những khoản đầu tư của Trung Quốc tại các nước thời gian qua đã làm dấy lên lo ngại rằng những nước nghèo và mới nổi như Djibouti và Sri Lanka có thể ngày càng bị “buộc chặt” vào Trung Quốc hoặc Trung Quốc có thể sẽ nắm giữ tài sản của các nước  này trong trường hợp các nước này bị vỡ nợ. Theo ông Derek M. Scissors - một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, người chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ - cho rằng hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ có quyền kiểm soát các tài sản để “cấn nợ” nếu một nước không trả được nợ cho họ. “Nhưng họ không đặt bẫy nợ. Đây là hoạt động nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng và phô diễn sức mạnh thụ động của Trung Quốc”, ông Scissors nhận định.

Công nhân tại dự án One Galle Face do một công ty Trung Quốc cung cấp tài chính tại Colombo, Sri Lanka
Công nhân tại dự án One Galle Face do một công ty Trung Quốc cung cấp tài chính tại Colombo, Sri Lanka

Cuộc giằng co gay gắt

OPIC, tương tự hầu hết các cơ quan phát triển nước ngoài khác đã vấp phải sự công kích nặng nề từ phe cánh tả ở Mỹ - những người cho rằng việc trợ giúp như vậy là một sự lãng phí các nguồn lực của liên bang. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Barack Obama, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn cản việc tái trao thẩm quyền cho cơ quan này.

Một thời gian ngắn sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc ngân sách hồi năm ngoái, ông Mick Mulvaney – với sự ủng hộ nhiệt tình của tổng thống – đã đưa ra đề xuất cắt giảm 1/3 ngân sách cho hoạt động viện trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ. Kế hoạch này đã loại bỏ ngân sách cho hoạt động của OPIC. Song, các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ đã bác bỏ các đề xuất cắt giảm do ông Mulvaney đưa ra nhằm giữ lại quyền lực mềm của  Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã kịch liệt phản đối đề xuất cắt giảm 3 tỷ USD dành cho các khoản viện trợ nước ngoài trong năm 2018. Theo 2 quan chức trong chính quyền Mỹ, ông Pompeo đã thuyết phục Tổng thống Trump rằng việc cắt giảm sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trên trường quốc tế cũng như vị thế của ông cùng với toàn bộ các nhân viên làm công tác viện trợ cho nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuối cùng, ông Yoho đã không còn đồng tình với ông Mulvaney nữa và quay sang ủng hộ việc mở rộng quỹ đầu tư, khi lập luận rằng việc mở rộng của nó có lẽ sẽ không ảnh hưởng gì đến người đóng thuế. Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình hoạt động, OPIC vẫn đã mang về nhiều triệu USD mỗi năm cho Bộ Tài chính Mỹ. Đó là kết quả của chiến lược đầu tư thận trọng bao gồm các khoản vay dành cho các tập đoàn của Mỹ đối với các dự án có mức độ rủi ro tương đối thấp, chẳng hạn như khoản vay 400 triệu USD để xây dựng một nhà máy hóa dầu lớn nhất tại Ai Cập vào năm 2015 do General Electric, Bechtel và các nhà đầu tư khác thực hiện. Thượng nghị sĩ Bob Corker - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - nhấn mạnh rằng sáng kiến này cho thấy có một sự thay đổi chiến lược. Ông Trump dường như biết rằng chỉ riêng một mình việc tăng cường sức mạnh quân sự sẽ không đủ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Chris Coons thuộc đảng Dân chủ bang Delaware – thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ - cho biết ông thực sự ngạc nhiên trong sự thay đổi chính sách của ông Trump. “Tôi không thể tin rằng Mỹ đã hoàn tất việc thành lập một cơ quan viện trợ nước ngoài mới. Chúng tôi đã thúc đẩy việc này từ năm 2015. Về cơ bản, đó chính là đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra từ thời chính quyền Obama nhưng đến nay chúng tôi đổi tên để tập trung vào việc đối trọng Trung Quốc”, ông nói.

Còn ông Tom Hart - Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của tổ chức phát triển phi lợi nhuận ONE – cho rằng sáng kiến mà Mỹ đang thực hiện ít tham vọng hơn. “Nhưng nó ít nhất cũng cho phép chúng ta có khả năng và cơ hội để cạnh tranh”, ông Hart nhận định.

Việc thành lập cơ quan viện trợ nước ngoài mới được ông Trump thực hiện sau khi Mỹ đã quyết định áp thuế đối với 250 tỷ USD các loại hàng hóa Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt các hoạt động thương mại của Bắc Kinh mà ông cho là đã khiến cho các công ty Mỹ rơi vào thế bất lợi.

Đầu tháng 10, chính quyền của ông Trump cũng đã chi tiết hóa kế hoạch sử dụng các quyền hạn mở rộng để giải quyết các vấn đề đầu tư nước ngoài tại Mỹ, mà theo nhiều người thì mục đích chủ yếu là làm cho Trung Quốc khó tiếp cận hơn đối với các công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng cho biết sẽ hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu các công nghệ hạt nhân dân sự sang Trung Quốc.