Mỹ tổ chức trưng cầu dân ý về quyền phá thai trùng với bầu cử Tổng thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024 sẽ đánh dấu thêm một sự kiện lịch sử nước này khi ít nhất 10 bang tại Mỹ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai.

Các câu hỏi về quyền phá thai sẽ xuất hiện trên cùng lá phiếu mà người dân dùng để chọn lựa tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Quyền phá thai đang trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Đây là một chủ đề liên quan trực tiếp đến 50% dân số Mỹ, ảnh hưởng đến quyền tự do cơ bản của mỗi cá nhân, vốn được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Donald Trump đã thay đổi cơ cấu Tòa án Tối cao, dẫn đến việc vào năm 2022, Tòa án đã đưa ra quyết định cho phép các bang tự quyết định về chính sách phá thai, thay vì áp dụng luật liên bang bảo vệ quyền phá thai như trước đây.

Hiện tại, ít nhất 10 bang ở Mỹ đang tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai, với các câu hỏi sẽ xuất hiện trên cùng lá phiếu bầu tổng thống.

Kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này có thể mang lại những thay đổi sâu sắc, khi các quy định về phá thai có khả năng bị lật ngược, ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ nữ.

Đảng Dân chủ cũng hy vọng rằng vấn đề này sẽ thu hút thêm nhiều cử tri đến ủng hộ họ trong cuộc bầu cử.

Trong thời gian gần đây, nhiều phụ nữ tại Mỹ đã phải vượt qua các ranh giới bang để chấm dứt thai kỳ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã chỉ trích mạnh mẽ, gọi đây là “cuộc khủng hoảng y tế”, đồng thời cáo buộc ông Donald Trump là “kiến trúc sư” của cuộc khủng hoảng này.

Tại Arizona, việc phá thai bị cấm sau 15 tuần thai kỳ. Cử tri sẽ có cơ hội bỏ phiếu về việc liệu có nên bảo vệ quyền phá thai cho đến thời điểm bào thai có thể tồn tại độc lập (fetal viability) hay không.

Bang Florida, bang đông dân thứ ba tại Mỹ, cấm phá thai sau 6 tuần mang thai, thời gian quá ngắn để nhiều phụ nữ có thể phát hiện mình mang thai. Vào ngày 5/11, cử tri sẽ bỏ phiếu để quyết định xem có nên mở rộng thời gian phá thai đến 24 tuần hay không. Để thông qua, đề xuất này cần đạt 60% số phiếu ủng hộ.

Missouri và South Dakota, hai bang có lệnh cấm phá thai khắt khe nhất, cũng đang tổ chức trưng cầu dân ý. Tại đây, cử tri sẽ quyết định liệu có nên tái lập quyền phá thai trong ba tháng đầu thai kỳ hay không.

Tại Colorado, bang nơi phá thai hợp pháp không giới hạn tuổi thai, một sáng kiến do người dân lãnh đạo đề xuất bảo vệ quyền phá thai trong hiến pháp của bang.

Tương tự, cử tri tại Maryland, Montana, Nevada và New York sẽ có cơ hội bỏ phiếu để bảo vệ quyền phá thai trong hiến pháp bang, nhằm đối phó với các nỗ lực hạn chế phá thai trong thời gian gần đây.

Đọc thêm