Mỹ - Trung bước vào đàm phán thương mại quan trọng

(PLO) - Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc ngày 7/1 bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý “đình chiến” để tạo thời gian giải quyết tranh chấp thương mại song phương.
Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu phái đoàn thương mại
Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu phái đoàn thương mại

Theo AFP, phái đoàn của Mỹ do Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu và bao gồm các quan chức của các bộ Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp, Năng lượng. Cuộc đàm phán diễn ra 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo dừng việc đánh thuế hàng hóa của nước đối tác vốn đã được lên kế hoạch từ trước trong vòng 3 tháng để tạo không gian cho các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận và chấm dứt tranh cãi giữa 2 nước. Sáng 7/1, phái đoàn của Mỹ đã rời khỏi khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc để gặp các đại diện của Trung Quốc. Song có ít thông tin về diễn biến đàm phán được công bố.

Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 7/1 khẳng định cả Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí thực hiện thỏa thuận mà lãnh đạo 2 nước đã đạt được trong việc tiến hành các cuộc đàm phán tích cực và mang tính xây dựng trong việc giải quyết tranh chấp. “Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại lợi ích cho bất cứ ai, cũng không có lợi cho nền kinh tế toàn cầu”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định thiện chí trong đàm phán. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận trong ngày hôm nay (8/1). 

Trong phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dấy lên những hy vọng về khả năng 2 bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh cãi đã kéo dài nhiều tháng qua, với kết quả là Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế nhập khẩu đối với hơn 300 tỉ USD hàng hóa của nhau. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Chúng tôi đang có cuộc đàm phán thương mại lớn với Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi cũng tham gia vào việc đàm phán này. Chúng tôi đang giải quyết vấn đề ở mức cao nhất và chúng tôi đều đang thực hiện rất tốt công việc này”, ông Trump nhấn mạnh trong một phát biểu hôm 4/1 vừa qua. Ngày 6/1, ông Trump cũng đã tới nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ ở Camp David. Theo Tổng thống Mỹ, tại đây, ông có cuộc thảo luận về một loạt các vấn đề với các trợ lý cấp cao, trong đó có vấn đề thương mại.

Kể từ khi việc đình chiến được thông báo hồi tháng trước, Trung Quốc đã có những biện pháp ban đầu để tạo điều kiện cho việc đàm phán. Trong đó, Bắc Kinh đã dừng việc đánh thuế bổ sung đối với xe hơi và phụ tùng do Mỹ sản xuất trong 3 tháng. Một công ty nhà nước lớn của Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng mua các sản phẩm đậu nành của Mỹ. Ngày 7/1, nhà sản xuất xe hơi điện Tesla của Mỹ cũng đã khởi công nhà máy của Công ty ở Thượng Hải, trở thành nhà sản xuất xe hơi nước ngoài đầu tiên được hưởng lợi từ việc Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế về quyền sở hữu trong lĩnh vực này.

Cuộc đàm phán ở Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh có những tiến triển trong quan hệ giữa 2 nước. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ cũng đã không đưa ra bất cứ đe dọa đánh thuế mới nào kể từ khi việc đình chiến được công bố. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không “giương cờ trắng”, chấp thuận tất cả các yêu cầu của Mỹ. Theo số liệu thống kê chính thức, lĩnh vực sản xuất của 2 nước đều bị ảnh hưởng bởi tranh chấp hiện nay. 

Đọc thêm