Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết tại cuộc đối thoại vừa diễn ra, 2 bên đã “trao đổi thẳng thắn” nhưng không đi đến thống nhất về hầu hết các vấn đề lớn liên quan đến thương mại và kinh tế có ý nghĩa quan trọng với Mỹ.
Theo vị quan chức giấu tên này, các vấn đề mà 2 bên chưa thống nhất bao gồm yêu cầu của Mỹ về việc tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc, giảm thuế ô tô, giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt việc Trung Quốc yêu cầu địa phương hóa dữ liệu và nâng tỉ lệ cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc…
Kết thúc đối thoại, 2 bên đã hủy họp báo, không ra được tuyên bố chung và cũng không đưa ra những tuyên bố mới về việc tiếp cận thị trường Mỹ đối với Trung Quốc. Trưởng phái đoàn đàm phán của Trung Quốc – Phó Thủ tướng Uông Dương – đã rời khỏi tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ mà không đưa ra bất cứ phát biểu nào với giới báo chí. Trước đó, ông Dương cảnh báo rằng sự đối đầu giữa 2 nước có thể gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross chỉ ra một tuyên bố ngắn sau cuộc họp, trong đó nhấn mạnh vấn đề đồng thuận hiếm hoi giữa 2 bên. “Trung Quốc thừa nhận mục tiêu chung là giảm thâm hụt thương mại song phương và 2 bên sẽ cùng hợp tác để đạt được mục tiêu này”, tuyên bố cho hay.
Trong tuyên bố này, 2 bộ trưởng của Mỹ cũng khẳng định lập trường của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ tuân thủ các nguyên tắc cân bằng, công bằng; và rằng sự tương hỗ trong các vấn đề liên quan đến thương mại sẽ tiếp tục là kim chỉ nam của nước này trong các cuộc thảo luận nhằm hướng tới việc đảm bảo các doanh nghiệp và người lao động Mỹ có cơ hội được cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Phiên họp vừa diễn ra được nhiều người xem là sự kiện tiếp nối cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ tại Mar-A-Lago, Florida hồi tháng 4 vừa qua. Tại cuộc gặp đó, ông Trump đã ca ngợi sự hợp tác của ông Tập trong việc kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên, nói rằng đây sẽ là tiền đề hướng tới những điều khoản thương mại tốt hơn với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã khởi động kế hoạch kinh tế 100 ngày, đưa ra một số tuyên bố về một số ngành công nghiệp cụ thể, trong đó có việc nối lại hoạt động bán thịt bò Mỹ tại Trung Quốc và cam kết cho phép phía Mỹ tham gia ở mức độ giới hạn trong một số lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, 2 bên vẫn chưa đưa ra được sáng kiến nào mới và ông Trump thì được cho là đang ngày càng thất vọng với việc Trung Quốc không gây áp lực với Triều Tiên. Chính phủ Mỹ cũng đã đe dọa sẽ áp các biện pháp trừng phạt mới nhằm và các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh với Bình Nhưỡng.
Các nhà đầu tư cho rằng những tín hiệu tiêu cực từ cuộc đối thoại cũng như việc 2 bên không đưa ra các tuyên bố mới về thương mại cho thấy ông Trump nhiều khả năng sẽ đánh thuế vào mặt hàng thép của Trung Quốc hay đưa ra các quy định về hạn ngạch với lý do an ninh quốc gia. Bản thân ông Trump khi được hỏi cũng để ngỏ khả năng này.